214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: Vợ chồng cùng khóc ròng!
Đó là trường hợp của cô Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1989), giáo viên trường THCS Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Vợ chồng cô là 2 trong số 214 trường hợp vừa bị cắt hợp đồng ...
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, việc 214 giáo viên ở thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa bị đồng loạt cắt hợp đồng ngay trước ngày khai giảng đang khiến dư luận bức xúc.
214 giáo viên này đã gửi đơn kêu cứu tập thể đến Bộ Nội vụ, Bộ GD – ĐT và các cơ quan báo chí trên địa bàn.
Việc bị cắt hợp đồng ngay trước thềm năm học mới đã khiến các giáo viên không đồng tình, cuộc sống bị đảo lộn, và với lời khuyên "nên rẽ theo hướng khác" của cán bộ huyện trong buổi làm việc chính thức với các giáo viên, dường như cơ hội gắn bó với nghề của họ thực quá mong manh...
Hai vợ chồng cùng bị cắt hợp đồng trước ngày khai giảng
Đây là trường hợp của cô Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1989), giáo viên công tác tại trường THCS Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh.
Trao đổi với PV, cô Nhung cho biết, cô tốt nghiệp ĐH Hà Tĩnh năm 2011, ra trường, cô may mắn được ký hợp đồng với huyện và về công tác giảng dạy tại trường THCS Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh).
“Ngày ấy, sau khi được ký hợp đồng giảng dạy, tôi cũng như gia đình đều vui mừng. Đặc biệt, ký hợp đồng với huyện càng là niềm vui lớn đối với một sinh viên vừa ra trường trong thời buổi xin việc đầy khó khăn này”, cô Nhung nói.
Sau năm đầu tiên ký hợp đồng với huyện Kỳ Anh, cô Nhung tiếp tục được ký lần 2 với thời hạn 3 năm và vẫn công tác tại trường THCS Kỳ Xuân. Những ngày tháng này, gia đình đều mừng cho cô, bởi đây sẽ là niềm hy vọng lớn, mong một ngày được vào biên chế. “Lúc đó, dù đồng lương giáo viên hợp đồng không có là bao nhưng tôi vẫn an tâm công tác, cống hiến cho nghề vì nghĩ rằng bản thân có cơ hội”, cô Nhung chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung và chồng đều nằm trong số 214 giáo viên bị cắt hợp đồng
Nhưng thật không ngờ rằng niềm vui ấy lại quá ngắn, đến đầu tháng 5/2015, chị nghe tin các giáo viên dạy hợp đồng bị cắt hợp đồng hoàn toàn. Cả 2 vợ chồng cô Nhung đều nằm trong số đó. Được biết, anh Lại Văn Nhất (SN 1987, chồng cô Nhung), giáo viên tại trường Tiểu học Kỳ Xuân cũng bị cắt hợp đồng. Anh Nhất là giáo viên hợp đồng với thời gian công tác 5 năm. Dù đồng lương giảng dạy chưa trọn vẹn (chỉ 85% lương), nhưng anh vẫn quyết bám trụ với nghề vì tâm huyết và vì cuộc sống gia đình.
Cô Nhung tâm sự: “Hai vợ chồng đều là giáo viên hợp đồng, đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nay cả hai lại bị cắt hợp đồng, tôi thực sự không biết nên làm sao. Con cái thì còn nhỏ dại (một đứa 2 tuổi, một đứa 7 tháng tuổi – PV) nên rồi đây vợ chồng tôi không biết bám trụ vào đâu để tiếp tục sống. Những năm trước, thời gian tháng 9 này, 2 vợ chồng đều tất bật chuẩn bị cho năm học mới. Năm nay khi học sinh, nhà trường rộn ràng khai giảng thì tôi đành ngậm ngùi đứng nhìn từ xa. Nhiều đứa học sinh khi đi ngang qua nhà, nó hỏi sao cô không lên trường, tôi thật sự không biết nên trả lời thế nào…”.
Khi nghe chúng tôi hỏi về những dự định sắp tới của 2 vợ chồng, cô Nhung cho biết, hiện cả 2 vợ chồng vẫn chưa biết nên làm gì. Cả 2 đều là giáo viên, có kinh nghiệm giảng dạy 5 năm, nếu không đi dạy thì cũng không biết nên làm nghề gì cho phù hợp. Sau khi có quyết định chấm dứt hợp đồng, cả 2 vợ chồng cô Nhung đều buộc phải hoàn thành mọi công việc còn lại tại trường và kết thúc trước ngày khai giảng năm học mới.
Cô giáo bị cắt hợp đồng sau 12 năm giảng dạy
Cùng hoàn cảnh với vợ chồng cô Nhung là trường hợp của cô Nguyễn Thị Nga (SN 1979), giáo viên trường THCS Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh). Cô Nga là người có thâm niên công tác lâu năm nhất (12 năm – PV) trong số 214 giáo viên bị cắt hợp đồng của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh.
Ngày chúng tôi tới thăm, căn nhà cô Nga đóng kín cửa. Có lẽ nỗi buồn, sự tủi hờn và cú sốc bất ngờ khiến cô không dám bước ra khỏi nhà. Khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, cô Nga liên tục khóc, những giọt nước mắt lăn dài khiến câu nói của cô bị ngắt quãng giữa chừng.
Cô Nga kể, năm 2003, cô Nga tốt nghiệp ngành Văn của trường ĐH Vinh. Sau nhiều vất vả của quá trình xin việc, năm học 2003 – 2004, cô xin được hợp đồng về giảng dạy tại trường THCS Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh). Cuối năm 2004, cô dạy tại trường THCS Kỳ Xuân. Năm học 2006, cô Nga lại tiếp tục chuyển đến giảng dạy tại trường THCS Kỳ Tiến. Đến cuối năm 2010, cô chuyển sang trường THCS Phong Bắc. Một năm sau đó, cô Nga lại quay về dạy ở trường THCS Kỳ Tiến.
Có thể nói ràng, hành trình xin việc của cô Nguyễn Thị Nga đầy những nỗi vất vả, khó khăn và cả tủi cực. Cứ sau mỗi năm học, khi đồng nghiệp nghỉ hè trong yên tâm thì một giáo viên hợp đồng như cô Nga lại cầm hồ sơ đi xin dạy từng năm 1 ở các trường.
Suốt 9 năm chị hợp đồng trường là 9 năm chị sống trong lo lắng sau mỗi năm học kết thúc. Nỗi lo cứ kéo dài năm này qua năm khác, nhưng với lòng yêu nghề chị vẫn quyết bám trụ và cố gắng.
“Mỗi lần cầm hồ sơ đi xin việc ở các trường, tôi đều không ít lần rơi mồ hôi và thậm chí là cả nước mắt. Nhưng đã yêu nghề đã muốn thực hiện ước mơ được tiếp tục đứng trên bục giảng nên tôi vẫn cố gắng bám trụ từng năm”, cô Nga nói.
Sau 12 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Nga rất sốc khi bị cắt hợp đồng giảng dạy
Đến năm 2012, niềm vui lớn và như một bước ngoặt trong sự nghiệp cầm phấn của mình khi cô bắt đầu được ký hợp đồng lao động với huyện và về giảng dạy tại trường THCS Giang Đồng. Sau đó, cô đến dạy ở trường THCS Kỳ Xuân vào năm 2014.
“Ngày được ký hợp đồng với huyện, không chỉ tôi vui mừng mà gia đình, bạn bè ai cũng mừng cho tôi. Sau 9 năm trường miệt mài vác hồ sơ đi các trường xin dạy hợp đồng thì nay tôi cũng an tâm và nuôi hy vọng mình có thể vào biên chế trong tương lai. Chính vì vậy mà tôi càng tâm huyết với nghề hơn”, cô Nga tâm sự.
Được biết, dù là giáo viên hợp đồng nhưng cô Nga luôn cố gắng hoàn thành tốt các công việc được giao. Ngoài được ban giám hiệu trường tin tưởng giao công tác chủ nhiệm, cô Nga còn được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi.
Cô Nga chia sẻ: “Đối với tôi được cống hiến cho nghề là một niềm vui. Ngày mới ra trường đi dạy, mức lương của tôi chỉ là 500.000 đồng/tháng, không đủ chi trả và trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề tôi vẫn cố gắng bám trụ qua từng năm. Đến nay, sau 12 năm công tác, mức lương sau khi ký hợp đồng với huyện cũng chỉ gần 2,3 triệu đồng/tháng”.
Khi đã có niềm vui, tinh thần đang phấn chấn và thoải mái thì cô Nga nhận được tin bị cắt hợp đồng hoàn toàn. Thông báo trên quả thật là cú sốc lớn đối với cô và đồng nghiệp. 12 năm công tác nay tự dưng mất việc, bản thân cô Nga thực sự không biết xoay xở cách nào.
Được biết, chồng cô Nga cũng là giáo viên, lương bổng không được bao nhiêu. Cả gia đình 4 thành viên nay chỉ trông chờ vào một khoản thu nhập ít ỏi của chồng. Hiện, cả 2 con của chị (một đứa lớp 5, một đứa mẫu giáo – PV) đều đã bước vào năm học mới với bao nhiêu khoản đóng nộp. Bình thường lương vợ lương chồng phải chi tiêu tằn tiện lắm chị mới đủ chi trả cho cuộc sống, nay chị không còn việc, không còn thu nhập khiến cuộc sống thêm khó khăn hơn.
“Những người trẻ tuổi thì họ còn có thể đi làm việc này việc khác còn tôi thật sự không biết nên đi hướng nào. Mấy hôm nay tôi không ăn không ngủ được, cứ nghĩ đến chuyện này là nước mắt lại tuôn trào. Ngày ngày nhìn học sinh đi học qua lại, tôi đều rất tủi lòng.
Phụ huynh nhiều người không thấy tôi tới trường họ cũng thắc mắc. Lâu nay cứ thức dậy là chuẩn bị đến trường nay đột nhiên thay đổi, bản thân tôi không thể thích ứng kịp. Đầu tháng 8 tôi còn tới trường ôn tập đầu năm cho cho học sinh, vậy mà đến đầu năm học mới thì nhận tin cắt hợp đồng…”, câu nói ngắt quãng khi dòng nước mắt đã lăn dài trên gò má cô Nga.
Được biết, ngoài kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, cô Nga còn là con thương bệnh binh có bố tham gia chiến trường 20 năm. Cô vẫn mong rằng với chừng ấy điều kiện, khi có đợt xét tuyển mình sẽ có được một sự ưu tiên nào đó.
Với những người có thâm niên như cô Nga, cái nghiệp "gõ đầu trẻ" đã ăn sâu vào tận tâm. Những giọt nước mắt đã rơi đúng ngày khai giảng thật sự là nỗi niềm của 214 cô giáo. Họ vẫn tiếp tục kêu cứu với hi vọng mình được sống và được cống hiến cho nghề.
Chia tay cô Nga ra về khi bóng chiều đã xuống, là một người ngoài cuộc nhưng tôi vẫn không thôi suy nghĩ về một người giáo viên đầy tâm huyết với nghề. Nhìn ánh mắt đỏ hoe của cô, tôi thấy được cả sự hi vọng và cả sự hụt hẫng. Đối với cô và các đồng nghiệp mùa khai giảng năm nay thực sự là kỉ niệm buồn xen kẽ những giọt nước mắt.
Linh Chi – Anh Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét