Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Vụ Bình phước - công an tự hỏi cung, ép cung theo kịch bản, không cần Luật sư ?

Luật sư của "quỷ": ai can đảm dám nhận làm người bào chữa?



Vụ thảm sát 6 người trong cùng một gia đình ở Bình Phước gây chấn động dư luận bởi số lượng người chết và chết cùng một thủ đoạn giết người ghê rợn. Hai nghi can đã bị bắt, nhiều lời khai đã được công bố với nội dung đinh ninh là đã bắt đúng người. Án tử hình đã được nêu và thời gian xét xử cũng được dự liệu. Vậy nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy bóng dáng của luật sư. Các nghi can này có tội hay không có tội chúng ta còn chưa xác định được nhưng quyền được bào chữa đã đã được pháp luật quy định rỏ cho họ.


Vậy điều gì khiến giới luật sư chưa xuất hiện? Phải chăng là sự ghét bỏ của luật sư vì tính man rợ của tội ác? Phải chăng vì sợ dư luận lên án luật sư bảo vệ cho điều ác? Vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh luật sư?

Nghề Luật Sư xin giới thiệu bài viết hết sức sâu sắc của một nhà báo kỳ cựu về vấn đề này. Mong quý luật sư đồng nghiệp, báo giới và công chúng hãy bỏ ít thời gian đọc thật kĩ để hiểu cái khó khăn trong việc thực hiện công việc của luật sư. Cũng mong quý bạn đọc có phản hồi, trao đổi thêm về vấn đề này.

------------
Nghi can Hải Dương yêu cầu được gặp luật sư: Vì sao cơ quan tiến hành tố tụng và giới luật sư đều im lặng?

Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt

Báo chí dẫn lời một vị tướng trong ban chuyên án cho rằng nghi can Hải Dương đã yêu cầu có mặt luật sư mới khai báo. Theo tinh thần cải cách tư pháp thì đây là yêu cầu chính đáng và nếu được thực hiện sẽ tăng thêm sức thuyết phục về tính khách quan, khoa học và công bằng của cuộc điều tra thế nhưng yêu cầu này không được đáp ứng và cũng không có lời giải thích.

Một vấn đề kỹ thuật là theo luật tố tụng hình sự hiện hành, luật sư có quyền tiếp xúc với bị can ngay từ giai đoạn điều tra nhưng đến nay, ba ngày sau khi bị bắt hai nghi can vẫn chưa bị khởi tố nên về pháp lý vẫn chưa phải là bị can nên chưa được quyền tiếp cận với luật sư để được hỗ trợ. Trái khoáy là trong khoảng trống về địa vị pháp lý đó, cơ quan điều tra đã nhanh chóng phá án có lời khai nhận tội, thu được tang vật, hung khí và thậm chí xác định được cả thời gian xét xử là khoảng trong một tháng và hình thức xét xử là lưu động. Với hành vi giết cùng lúc nhiều người kèm theo hành vi cướp của thì không cần là thẩm phán ai cũng có thể xác định được mức tổng hợp hình phạt của hai tội này là tử hình.

Như vậy, mặc dù chưa bị khởi tố nhưng nội dung, hình thức và tiến trình truy tố xét xử của các nghi can đã được lập trình chỉ trong hai ngày từ khi bi bắt (10-7 đến khi họp báo 12-7) mà không hề cần đến luật sư.

Với một vụ án hết sức nghiêm trọng,nghi can đã khai nhận và đã có đầy đủ chứng cứ thì liệu luật sư có thể bào chữa được gì? Liệu việc đứng ra bào chữa cho những bị cáo mà hành vi quá man rợ, chứng cứ quá rõ ràng có phải là hành vi cố đấm ăn xôi, cải bướng ăn tiền làm ảnh hưởng đến thanh danh luật sư? Liệu có phải trước áp lực quá mạnh của dư luận xã hội và tiến độ điều tra nhanh chóng hiệu quả của cơ quan điều tra làm các luật sư chùn bước ngại lên tiếng bào chữa cho các nghi phạm?

Theo tôi thì không!

Một trong những giá trị vĩnh cữu của Marx là đã tìm ra quy luật mâu thuẫn giữa các mặt đối lập trong tự nhiên xã hội và tư duy con người. Định chế luật sư bào chữa là sự vận dụng quy luật ấy trong khoa học pháp lý. Sự phát xét một chiều của một bên và nhất là bên có quyền lực không bao giờ và không thể nào là công lý. Sự công minh của nền tư pháp mỗi quốc gia không chỉ nằm trong các mỹ từ tự xưng mà thể hiện sao cho quyền bào chữa được cân bằng với quyền buộc tội.

Hiện nay, tất cả những cáo buộc đều được chỉ một phía cơ quan điều tra đưa ra và tất cả lời khai, cáo buộc, chứng cứ phạm tội ấy đều được duy nhất một bên đưa ra mà không có sự tham gia, chứng kiến hợp tác của bên bào chữa thì liệu có thể gọi là chứng cứ khách quan?

Hãy hình dung hai thanh niên 24 tuổi trong suốt 36 tiếng đồng hồ vừa qua và nhiều ngàn tiếng đồng hồ kế tiếp chỉ đơn độc đối diện với bốn bức tường và những người đang "đấu tranh" buộc họ nhận tôi với những quyền uy và công cụ được pháp luật cho phép họ sẽ cô đơn và yếu đuối như thế nào. Hãy thử hình dung khi tòa chưa tuyên án, chưa bị buộc tội nhưng mỗi hành vi của họ từ việc khóc trước quan tài người yêu, việc tham dự đám tang, việc đi gần một ai đó đều bị xem là chứng cứ buộc tội hay là thủ đoạn che dấu tội phạm và tung hê lên báo chí thì sẽ thấy sự công bằng như thế nào nếu họ không được ai đó tư vấn bảo vệ.

Ngay trong trường hợp họ phạm tội thì mức độ, tính chất hành vi, động cơ phạm tội như thế nào cũng phải được phán quyết một cách công bằng. Nước mắt của họ là nước mắt hối hận hay là giả trá? Không thể vì họ là người phạm tội nên muốn lăn mạ họ bất cứ lúc nào cũng được. Pháp luật không chỉ để trừng trị mà còn để giáo dục phòng ngửa, răn đe cho xã hội. Nếu không tranh luận tìm ra đúng nguyên nhân tội phạm thì làm sao có thể giáo dục phòng ngừa răn đe.

Theo tôi, ngay bây giờ (dù đã khá trễ) và sắp tới, cần và rất cần những luật sư giỏi nghề và tâm huyết đứng ra bào chữa cho các nghi can. Với vụ án phức tạp, phía điều tra đã huy động lực lượng đông đảo và tinh nhuệ với những viên tướng "khét tiếng" thì để bảo đảm công bằng không chỉ cần một mà cần có nhiều, một đội ngũ mới có đủ điều kiện khả dĩ cân bằng cùng góp phần làm sáng tỏ vụ án này.

Hơn thế nữa, các luật sư cần phải được bảo đảm những quyền của mình theo luật (dù các quyền này còn rất hạn chế) tránh những hàng rào kỹ thuật, thủ tục như chậm cấp giấy chứng nhận bào chữa, hạn chế tiếp xúc với hồ sơ và nghi phạm,.... Tuy nhiên điều bàu có lẽ hơi bị khó vì cơ chế tố tụng hiện nay vẫn còn nặng xin cho và luật sư luôn là người phải xin các cơ quan tố tụng.

Nói thật lòng tôi tin là các luật sư khó thay đổi được nhiều với bản án tử hình đã dành sẳn cho hai nghi can nhưng tội vẫn hy vọng rằng hoạt động tố tụng của vụ án này vẫn được diễn ra với mức độ minh bạch nào đó để người ta còn có chút lòng tin vào xã hội mình đang sống.

FB Nghề Luật sư. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét