Nhạc Trung Quốc đã vào Bộ Quốc phòng Việt Nam?
Ở phút thứ 4'16" đến 4'30" khúc nhạc được vang lên khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên bục phát biểu trong chương trình 'Khát vọng đoàn tụ' tối 27/7 tại Hà Nội.
Khánh An-VOA
Hôm 27/7, trong một chương trình nghệ thuật quy tụ các quan chức đứng đầu nhà nước Việt Nam có tên “Khát vọng đoàn tụ”, diễn ra tại Bộ Quốc Phòng, được trực tiếp truyền hình trong nước như một cách giới thiệu sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sau một thời gian vắng bóng, ngay khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên sân khấu để đọc diễn văn khai mạc thì một đoạn nhạc được phát lên. Đoạn nhạc này ngay sau đó được người dân Việt Nam phát hiện là bài hát “Ca ngợi tổ quốc”, một bài hát được nhiều người xem là “quốc ca thứ hai” của Trung Quốc. VOA của đài VOA phỏng vấn ông Phan Tất Thành, một cựu chiến binh đã từng có một thời gian được học tập, nuôi dạy tại Quế Lâm, Trung Quốc, cũng là người đầu tiên phát hiện ra “sự cố” này.
“Khát vọng đoàn tụ” là một chương trình nghệ thuật lớn được tổ chức nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Chương trình này càng thu hút sự chú ý của dư luận khi được đồng loạt loan báo trên các kênh truyền thông của nhà nước trước đó với sự xuất hiện trở lại của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, người đột nhiên vắng bóng trong một thời gian khiến gây ra nhiều tin đồn về tình trạng sức khỏe của ông cũng như khả năng ông đã qua đời nhưng không được tiết lộ.
Chương trình quy tụ nhiều quan chức hàng đầu Việt Nam, gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam...và gần 500 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được phát song trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam vào tối ngày 27/7.
Ngay khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước lên sân khấu để đọc diễn văn khai mạc thì một đoạn nhạc được phát lên.
Đoạn nhạc này ngay sau đó được người dân Việt Nam phát hiện là bài hát “Ca ngợi tổ quốc”, một bài hát được xem là “quốc ca thứ hai” của Trung Quốc. Bài hát này do ông Vương Tân, người Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc, sáng tác vào tháng 9/1950.
Người đầu tiên được cho là đã phát hiện ra “sự cố” này là ông Phan Tất Thành, một cựu chiến binh đã từng có một thời gian được học tập, nuôi dạy tại Quế Lâm, Trung Quốc. Ông Thành cho biết nguyên nhân ông phát hiện ra vụ việc này.
VOA: Khi ông nghe đoạn nhạc, sau một thời gian ông được người Trung Quốc đùm bọc và lớn lên thì ông cũng có cảm tình sâu nặng...
Cựu chiến binh Phan Tất Thành trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Ông Phan Tất Thành: Không. Tôi biết. Tôi cắt lời bạn chỗ này. Với nhân dân Trung Quốc, tôi rất gắn bó, tôi rất yêu thương họ. Tôi cảm nhận được tình cảm của nhân dân Trung Quốc dành cho chúng tôi. Nhưng tư tưởng thâm căn cố đề đại Hán của nhà nước Trung Quốc, của những người cầm quyền Trung Quốc, từ đời vua chúa Trung Quốc cho đến những người lãnh đạo của các chính quyền tiếp theo cho tới bây giờ, tới Tập Cận Bình, trong đầu họ vẫn có màu sắc lúc nào cũng lăm le xâm chiếm bờ cõi Việt Nam. Đó là điều mà tôi không chấp nhận. Tôi tự nhiên trở thành được nhiều bạn “quan tâm” chỉ vì tôi sôi sục có một điều thôi là đất nước này là của chúng tôi, không một thế lực nào có thể xâm phạm đến đây được hết. Có thể suy nghĩ của tôi đụng chạm đến suy nghĩ khác của những người khác, nhưng bất luận thế nào, tôi đã chiến đấu rất nhiều năm để “giành lại độc lập, tự do cho tổ quốc” theo cách nói thông thường bây giờ. Tôi đã ra chiến chường, tôi đã bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Bây giờ nếu xảy ra chuyện gì thì tôi cũng sẵn sàng.
VOA: Ông là người nắm khá rõ về tình hình cả Trung Quốc và Việt Nam, ông nhận định thế nào về những sự việc xảy ra giống như hiện nay ông vừa phát hiện là việc sử dụng một bài hát Trung Quốc cho một sự kiện trong đó có nhiều quan chức lớn?
Ông Phan Tất Thành: Thật ra những cái lỗi của đài truyền hình, lỗi này khác với những cái lỗi như khi người ta bàn cãi về chuyện Công Phượng bao nhiêu tuổi hay nhầm lẫn tên tác giả này sang tác giả kia, những lỗi mà đài truyền hình đã bị phạt tiền nhiều lần lắm rồi. Thực ra trong sâu thẳm tôi vẫn cho rằng đây chỉ là một sự nhầm lẫn ngu dốt của các biên tập viên đài truyền hình mà thôi. Tôi đặt ra câu hỏi “Giặc đã ở trong đài?”, câu hỏi đó là để nâng sự việc lên ở tầm khác, chỉ là một cách nói thôi, chứ còn chưa, chưa có giặc nào vào được Đài truyền hình Việt Nam để mà ngồi phát nhạc Trung Quốc, ca ngợi Trung Quốc theo cách đụng chạm đến danh dự, đến lòng tự trọng, quốc thể Việt Nam của chúng tôi đâu. Đây chỉ là sự ngu dốt của biên tập viên thôi.
VOA: Về chuyện này, cũng như những “sự cố” trong các sách giáo khoa chẳng hạn, cũng liên quan đến Trung Quốc. Có khá là nhiều sự việc “nhầm lẫn” mà là những nhầm lẫn tai hại, ông nghĩ thế nào, đây là nhầm lẫn cố ý hay vô tình, hay có điều gì đó phía sau hậu trường hay không?
Ông Phan Tất Thành: Chỗ này thực ra có hai cách nhìn, cũng có thể nói rằng chỉ vì một nền giáo dục rất sa sút. Nền giáo dục bị bại hoại rồi. Học sinh không học sử. Theo tôi nghĩ bởi vì Việt Nam cũng có một bài “Ca ngợi tổ quốc” của nhạc sĩ Hoàng Vân nên có thể, nếu ta nghĩ khách quan một chút, thì khi biên tập viên gõ tìm bản nhạc “Ca ngợi tổ quốc” thì người biên tập viên này có thể không nghe, không biết và không xác minh lại mà ấn ngay khúc nhạc “Ca ngợi tổ quốc” (của Trung Quốc) để lắp vào chương trình đấy.
Đại tưóng Phùng Quang Thanh được chào đón bằng nhạc tàu
Cái lỗi này rất dài, lỗi từ biên tập, từ kiểm soát, từ đủ mọi thứ, cho nên khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bước những bước chân đầu tiên lên thì đi trên nền nhạc bài “Ca ngợi tổ quốc” của Trung Quốc, không phải là bài “Ca ngợi tổ quốc” của nhạc sĩ Hoàng Vân nữa. Đấy là nhầm lẫn ngẫu nhiên, vô tình nhưng rất tai hại. Chứ còn khả năng nếu nói bọn Trung Quốc cố tình cài cắm vào, được hay không, thì chuyện đó tôi không dám đánh giá, nhận xét được là Trung Quốc nó đã xâm nhập vào đến đâu trong đất nước này. Không có gì để chắc chắn để nói “có” hoặc “không” cả.
VOA: Vâng, cám ơn ông Phan Tất Thành đã dành thời gian cho đài VOA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét