Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Bác sỹ quân y bỏ đảng.

Bác sĩ bỏ đảng, khám chữa bệnh cho Thương Phế Binh VNCH
09- 30-2015 7:20:31 PM
Việt Hùng/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Thời gian vừa qua, trong chương trình “Tri Ân Anh - Người Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)” do Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tổ chức, luôn xuất hiện một vị bác sĩ tận tâm khám chữa bệnh cho các thương phế binh. Ít ai biết được trước đây ông từng là bác sĩ cho bộ đội Bắc Việt.

Ông từng là trung tá Quân Ðội Nhân Dân, 30 tuổi quân, từng tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược, có nhiều kinh nghiệm chữa trị cho các thương binh. Thế nhưng, khi nhận ra sự thối nát của chế độ, ông đã từ bỏ đảng Cộng Sản và tham gia khám chữa bệnh cho Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa (TPBVNCH).

Ông là Bác Sĩ Ðinh Ðức Long, sinh năm 1959, tốt nghiệp trường Ðại Học Y Khoa Semmelweis tại thủ đô Budapest, Hungary vào năm 1977, chuyên ngành Nội Tiêu Hóa. Hiện nay Bác Sĩ Ðinh Ðức Long, sống tại Sài Gòn. Ông đã vượt qua các rào cản của ý thức hệ và quan điểm chính trị để đến với các TPBVNCH với tấm lòng chân thành.

Từ bỏ đảng Cộng Sản



Trả lời về lý do vì sao ông từ bỏ đảng Cộng Sản, Bác Sĩ Long cho biết: “Năm 2012, nhận ra tình trạng tham ô của lãnh đạo bệnh viện, tôi tố cáo bí thư đảng ủy kiêm giám đốc bệnh viện đa khoa Bưu Ðiện - ông Trương Anh Kiệt và lãnh đạo bệnh viện đã 'cấu kết làm hồ sơ giả mạo, để rút tiền của nhà nước và bảo hiểm y tế khoảng hơn 28.5 tỷ VND trong 3 năm (2009-2011).”

“Thế nhưng thay vì lãnh đạo ngành y tế phải tiếp thu để xử phạt, mà ngược lại, họ còn tiếp tay cho bệnh viện 'đơn phương chấm dứt hợp đồng' làm việc với tôi. Từ đó tôi đã không còn sự tin tưởng vào chế độ này, và đã tuyên bố ra khỏi đảng.”

Theo Bác Sĩ Long, sau đó ông tiếp tục khởi kiện giám độc bệnh viện Bưu Ðiện Sài Gòn lên tòa án. Ròng rã theo đuổi vụ kiện suốt mấy năm, Tòa án Quận 10 Sài Gòn bằng bản án dân sự sơ thẩm số 25/2014/LÐ-ST, ngày 4 tháng 12, 2014, tuyên ông thắng kiện vụ án “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.”

Theo đó bệnh viện phải chấp nhận thi hành án bằng việc nhận ông trở lại làm việc như cũ và bồi thường cho ông một khoản tiền. Bác Sĩ Long đã trích ra 10 triệu đồng tặng cho Chương trình “Tri Ân Anh - Người Thương Phế Binh VNCH.”

Khi đến với thương phế binh với tấm lòng chân thành, ông bộc bạch rằng, “Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm chia sẻ một phần những thiệt thòi đối với các anh em TPBVNCH. Qua việc tôi khám chữa bệnh cho họ trong các đợt trước, tôi thấy các anh em TPB VNCH là những người thiếu thốn về mặt thuốc men, một số trang thiết bị như mắt kính, cặp nạng, xe lăn,... nên tôi muốn đóng góp một phần trong khả năng của tôi từ số tiền mà tôi thắng kiện để sẻ chia cho họ.”

Trả lời Người Việt về “Cảm nghĩ khi tiếp xúc với các TPB VNCH?” Ông cho biết: “Họ cũng là những quân nhân, họ cũng là con em dân tộc Việt Nam, họ chiến đấu vì một mục đích riêng của họ. Xưa nay thành bại là chuyện thường của cuộc đời. Tất cả hai bên đều là nạn nhân của chiến tranh, chiến tranh của huynh đệ tương tàn.”

“Sau cuộc chiến, họ là những người thiệt thòi nhất, theo tôi, họ nằm trong số những người thiệt thòi cần được chia sẻ cả về thể xác lẫn tinh thần. Những người thương binh của chế độ Cộng Sản được chế độ chăm sóc, còn họ không được chế độ chăm sóc, thậm chí bị bỏ rơi, miệt thị... Trên thực tế không có chính sách gì dành cho họ.”

Khi được hỏi, “Bác sĩ nghĩ như thế nào về tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc?”, ông cho biết: “Tôi nghĩ hòa hợp hòa giải dân tộc là một điều nên làm và cần làm ngay bây giờ, chứ không thể chậm trễ nữa. Bây lâu nay các lãnh đạo Cộng Sản thường hay nói về ‘hòa hợp hòa giải dân tộc’, thế nhưng trên thực tế thì họ không làm gì để thể hiện điều này?”

“Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm rồi, muốn khép lại quá khứ thì phải thể hiện bằng hành động, mà hành động dễ nhất là đối với các tử sĩ như trùng tu nghĩa trang Biên Hòa, sau đó là những người TPB VNCH - những người trẻ nhất là 60 tuổi, người già trên 80 - họ không còn sống được bao lâu,” BS Long nói.

Nhìn hình ảnh người bác sĩ tận tâm khám chữa bệnh cho các chú TPB VNCH, hy vọng hình ảnh này sẽ còn kéo dài mãi, để vết thương chiến tranh có thể lành hẳn trên người lính của cả hai miền chiến tuyến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét