Thực hư tài liệu tuyên truyền Thành Đô
- 15 tháng 10 2014
Mới đây, xuất hiện một văn bản lưu truyền trên mạng Internet, được cho là do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, để tuyên truyền về Hội nghị Thành Đô và để các cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai, tổ chức quán triệt, phổ biến tới cán bộ, đảng viên và người lao động.
Giới chức Việt Nam từ chối bình luận với BBC về tin này, nhưng một cựu cán bộ cao cấp thuộc Ban Dân vận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam nói "có căn cứ" để ra đời tài liệu này.
Trong khi đó, một cựu thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải không bình luận trực tiếp về tài liệu. Nhưng bà nói chính quyền nếu không công bố nhiều thì cũng nên có lộ trình bạch hóa từng bước, chứ không nên giữ im lặng về cuộc đàm phán cấp cao Trung - Việt.
'Có văn bản ấy'
Được hỏi liệu văn bản này có phải là thật hay không, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng nói với BBC:
"Theo tôi nghĩ có một văn bản ấy để giải thích thắc mắc của nhân dân cũng như ở trong Đảng.
"Hiện nay như tôi thì chưa thấy nó xuống đến cơ sở, chưa thấy, mới thấy nó ở trên mạng.
"Nhưng tôi biết là có một cuộc họp mà ban tuyên huấn phải mời những người lãnh đạo cao cấp đến để tường trình."
Theo cựu Vụ trưởng này, văn bản tuyên truyền này đã ra đời trước áp lực của dư luận trong nước, đặc biệt của các giới từ tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, các nhà nghiên cứu, tới nhiều người dân.
Ông Nguyễn Khắc Mai nói: "Và như thế là đứng trước một áp lực cần phải trình bày, trình bày có thỏa đáng hay không còn là một việc khác nữa."
Cựu quan chức dân vận của Trung ương Đảng cho biết chi tiết thêm về một cuộc họp của Ban tuyên giáo có liên quan tới văn bản này mới đây.
"Theo tôi biết, Ban tuyên giáo trung ương họ đã có một cuộc họp, đầu tiên là mời các cán bộ cao cấp, từ Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương đã về hưu đến để họ thông báo tình hình này.
"Và sau đó họ đưa ra chuyện ấy, đó là vấn đề mà buộc Ban tuyên giáo phải có một động tác để đáp lại yêu cầu từ người dân thường cho đến các tướng lĩnh, cho đến các nhà trí thức người ta yêu cầu phải minh bạch vấn đề này," ông Mai nói với BBC.
'Không thấy văn bản'
Tuy nhiên hôm thứ Năm, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông nói với BBC ông không hề biết tới văn bản này.
"Tôi đã nghỉ hưu được hơn một năm, bản thân tôi không thấy văn bản này," ông Đỗ Quý Doãn nói với BBC.
Khi được hỏi liệu văn bản này có thể được phổ biến tới cấp ủy Đảng nơi ông sinh hoạt hay không, cựu Thứ trưởng khẳng định thêm.
"Cái đó tôi không biết đâu, tôi không hề thấy văn bản đó và cũng chưa nghe thấy."
Cũng hôm thứ Năm, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ bình luận với BBC về hiện tượng xuất hiện của 'tài liệu tuyên huấn' này, cũng như một lá thư liên quan tướng Giáp được cho là của vợ cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Duẩn, được lưu hành trên mạng gần đây.
Bà Chi Lan nói: "Xã hội đang có nhiều luồng suy nghĩ khác nhau, có nhiều điều trăn trở, kể cả đã được thể hiện bằng văn bản, của những người đã tham gia cách mạng từ rất lâu.
"Nên có một phản hồi nhất định của lãnh đạo hiện nay, của những người đang cầm quyền, đang chịu trách nhiệm, thì họ nên có thái độ, ít nhất họ nên có một lời giải trình.
"Hoặc nếu không rộng rãi thì gặp các cụ chẳng hạn để chia sẻ lại thông tin, thì tốt, hoặc tốt hơn nữa là đối thoại thì hay hơn nhiều.
"Bởi vì chính sự im lặng, không có giải thích gì, không có phản ứng gì từ phía chính quyền thì nhiều khi lại càng gây thêm những điều nghi ngại, những điều băn khoăn tiếp và càng có thể tiếp tục chia rẽ trong dự luận hoặc suy nghĩ trong xã hội Việt Nam, nó không có lợi gì cả."
'Tăng độ minh bạch'
Nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng chính quyền nên xem lại chính sách giữ bí mật với nhiều thông tin, hồ sơ, tài liệu trong quá khứ của mình. Bà nói:
"Có lẽ ở Việt Nam lâu nay xã hội cũng hơi bức xúc là số tài liệu mà được coi là mật thì nhiều quá. Thành ra cũng nên giảm bớt dần những tài liệu không được coi là mật, cần tăng thêm độ minh bạch về thông tin."
"Còn kể cả những thông tin cũ cũng vậy, có lẽ nên rút ngắn quá trình công khai hóa nó ra, chứ không nên giữ lâu quá.
"Tôi cho là với Thành Đô là hiện nay trong quan hệ với Trung Quốc cũng đang có những cái phức tạp. Thứ hai nữa là một số người liên quan đến Thành Đô thì đang còn đây. Cho nên có thể có những điểm nhạy cảm nào đó mà người ta chưa muốn đưa ra."
Cũng về điểm này, hôm 15/4, một cựu quan chức ngành ngoại giao, ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc nói:
"Phê phán tại sao Hội nghị đó có những kết quả như thế này, như thế kia, nói thế thì nó đụng nhiều người."
"Tôi biết chuyện này khá rõ nhưng chưa tiện nói bây giờ, bởi vì Trung Quốc rõ ràng có ý định trong chuyện đưa một số nhà lãnh đạo Việt Nam vào bẫy, mắc bẫy của họ.
"Chẳng hạn như chuyện phía Trung Quốc họ bảo rằng để rất kính trọng ba đồng chí lão thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì họ để ba ông ở ba biệt thự khác nhau, thế thì những ông đã già bảy mươi, tám mưới như ông Phạm Văn Đồng, ông Đỗ Mười, ông Nguyễn Văn Linh lúc đó thì làm sao mà hội ý được với nhau..."
'Để thử phản ứng'
Hôm thứ Năm, một cựu quan chức ngoại giao khác không muốn tiết lộ danh tính thì bình luận với BBC về thực hư của văn bản 'tuyên huấn' về Hội nghị 24 năm về trước.
Nhà ngoại giao nói:
"Văn bản này ra là chịu áp lực của dư luận, nay thì không thể không nói ra. Nhưng cách người ta chọn để nói nửa kín, nửa hở như thế càng không ổn.
"Mặt khác, nếu bạch hóa sẽ động chạm tới rất nhiều người, sẽ rất phức tạp.
"Nhưng tôi khẳng định là việc bảo có thỏa thuận Việt Nam là một tỉnh tự trị của Trung Quốc vào năm 2020 bởi phía Việt Nam trong hội đàm với Trung Quốc là bịa.
"Nhưng Trung Quốc họ đưa ra tin đó lại chính là vì Việt Nam muốn giấu nhẹm đi thông tin và các thỏa thuận, kể cả một số thỏa thuận của một số cá nhân trong Hội nghị này.
"Và do đó mà họ tung ra thông tin ấy, tạo sức ép với nội bộ của Việt Nam," cựu viên chức ngoại giao này nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét