Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Bài trên blog bạn.

Vụ đại tá, anh hùng bị theo dõi kiểu xã hội đen

Ông [Nguyễn Đăng] Giáp bị chính quân đội theo dõi và âm mưu hãm hại (Cầu Nhật Tân).
Nhân vật rất nổi tiếng trong quân đội. Được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều danh hiệu. Tuy có uy tín lớn nhưng ông Giáp đã bị các quan chức của chính quân đội nhân dân Việt Nam lập kế hoạch theo dõi một cách trái phép. Thậm chí có cả âm mưu hãm hại bày ra. Thực hư câu chuyện này thế nào và ai đứng đằng sau kế hoạch mờ ám toan tính hãm hại và hạ bệ ông Giáp?
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp – Doanh nhân quốc phòng tiêu biểu, Anh hùng lao động
Sinh ra ở Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An, miền quê mà người dân chưa một lần được no bụng. Năm 1971, trai làng tên Giáp mới 17 tuổi trúng đại học Mỏ nhưng bỏ bút nghiên ra trận vì chỉ vào quân đội mới được no bụng. Lái xe đoàn 559 trên những cung đường ác liệt nhất Trường Sơn, Nam Lào, Campuchia. Chiến tranh kết thúc Giáp chịu thương tật 27%.

Sang làm kinh tế quốc phòng, giám đốc xí nghiệp 36, thuộc Tổng công ty Thành An Bộ Quốc Phòng, một con tàu cũ nát sắp chìm với hơn 400 công nhân không có việc làm, vốn điều lệ 5 tỷ, gánh một khoản nợ và lỗ lên tới 34 tỷ đồng. Năm 2009 được trao danh hiệu Doanh nhân Việt. Năm 2010, Chủ tịch nước phong ông Giáp làm Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Xí nghiệp 36 giờ đã trở thành doanh nghiệp đồ sộ của Bộ Quốc phòng được giao nhiều công trình trọng điểm an ninh quốc gia như hầm trú ẩn của Bộ Chính trị, sở chỉ huy tác chiến trong trụ sở Bộ Quốc phòng, nâng cấp căn cứ hải quân Cam Ranh … Tổng công ty 36 trực thuộc Bộ QP do đại tá Nguyễn Đăng Giáp đứng đầu.
.
Chuyện cướp miếng ăn của nhau trong quân đội
Khẩu hiệu xây dựng quân đội cách mạng từng bước chính quy, hiện đại có lẽ chỉ là khẩu hiệu suông. Thực tế thì quân đội đang ngày đêm đi … cưỡng chế giải phóng mặt bằng, coi lấy đất của dân là nhiệm vụ chính trị. Quân đội đi buôn, đưa lính đi thầu khoán, khai mỏ. Quân đội buôn người ra nước ngoài dưới mác hợp tác lao động (quân khu 4). Đầu não của quân đội thì ngày càng phì đại với doanh nghiệp. Đầu mối trực thuộc trực tiếp Bộ QP gần đây càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp với các ông tướng … đi buôn. Các tướng chiến đấu thì ngày càng ít và đều muốn vứt súng đi ”làm kinh tế”.
Bộ trưởng, đại tướng Phùng Quang Thanh bây giờ có nhiệm vụ thật nặng nề nhưng “béo bở” là quản trị rất nhiều doanh nghiệp. Một số tiêu biểu như: Tổng Công ty Xăng dầu Quân độiTổng Công ty 28Tập đoàn Viễn thông Quân độiTổng Công ty Hợp tác Kinh tế QK4, Tổng Công ty 36,Tổng Công ty 319 (của đại tá Phùng Quang Hải, con trai Bộ trưởng Phùng Quang Thanh), Tổng Công ty 789Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty Thành An,Tổng Công ty Thái Sơn, Tổng Công ty Đông Bắc, Tổng Công ty 15, Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng, Tổng Công ty dịch vụ bay, Các Công ty, các nhà máy phiên hiệu XYZ khắp cả nước, Ngân hàng TMCP Quân đội, một số doanh nghiệp bí mật chuyên buôn bán vũ khí, công nghệ, hoạt động tình báo, phản gián… Doanh nghiệp cấp quân khu, quân binh chủng thì không đếm hết. Nay mai, Truyền hình Quân đội, các đoàn Văn công, các học viện nhà trường, viện quân y, Đoàn quân nhạc được mở hệ “phục vụ dân sự” (đang xem xét cho phép) thì số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng hoặc do quân đội quản lý có thể … vượt quá bên dân sự.
Bộ trưởng quốc phòng mà đi đâu cũng chỉ có câu “cửa mình” là: “…cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tập trung xây dựng tổ chức Đảng, nội bộ đoàn kết, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh…”. Chỉ đạo kiểu một nhà buôn, nhà chính trị salon chứ không giống chỉ đạo của một ông tướng quân đội.
Thực chất, việc sắp xếp, cơ cấu lại hay tái cấu trúc chỉ là kế hoạch của những con cá lớn để nuốt cá bé.
Theo dõi và thôn tính
Nguyễn Thị Nhung, cán bộ của một công ty thám tử tư (một tướng Công an về hưu đứng đầu) được một số cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng thuê theo dõi. Cán bộ quân đội tên là Hoài, thượng tá Binh chủng Đặc công vừa được bổ nhiệm làm trợ lí tuyên huấn của Tổng công ty Thành An (trực thuộc Bộ QP) thuê Nhung theo dõi đại tá, anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36 Bộ Quốc phòng. Hoài yêu cầu Nhung và người của thị phải luôn bám sát chiếc xe Land Cuiser biển số đỏ quân đội AV-1189 và cung cấp các địa chỉ ông Giáp thường đến … Thám tử Nhung còn được thượng tá Hoài dẫn đến gặp đại tá Nguyễn Văn Then, Chủ nhiệm Chính trị (tức chính ủy) Tổng công ty Thành An để được huấn thị chi tiết về kế hoạch tiếp theo trong đó có việc thuê xã hội đen ám hại ông Nguyễn Đăng Giáp, không loại trừ việc đặt mìn, nổ xe.
Bại lộ và chuyển thể kịch bản
Do thị Nhung hoảng sợ trước kế hoạch theo dõi và ám hại trên và ngày càng bị Thượng tá Hoài, Đại tá Then ép buộc và dọa nạt. Mới đây thị đã đầu thú với Cục Bảo vệ An ninh quân đội. Trái với trông đợi của thị Nhung, Cục Bảo vệ An ninh quân đội đã kết luận vụ việc có lợi cho Hoài và Then. Hành vi của Nhung lại bị bên quân đội chuyển sang cho An ninh Công an thành phố Hà Nội hoàn tất hồ sơ vụ án riêng để truy tố thị Nhung.
Kẻ đứng sau
Ai có thể chỉ đạo được An ninh quân đội bóp méo bản chất vụ việc? Không ai khác ngoài quan chức thuộc hàng cao cấp nhất của Bộ QP.
Hiện, đại tướng Bộ trưởng đang vô cùng bận rộn chỉ đạo quân đội “sắp xếp lại”, “tái cơ cấu” các doanh nghiệp quốc phòng. Viettel vừa được “cho” tiếp quản EVN là một ví dụ. Trong nạn “tái cơ cấu” này, đại tá Hải con trai Bộ trưởng được đề xuất nắm tiếp (tức thôn tính) nhiều doanh nghiệp khác để trở thành “tài phiệt” trong quân đội nhân dân Việt Nam. Một trong các doanh nghiệp thuộc loại “béo” bị lọt vào tầm ngắm là Tổng Công ty 36 của đại tá Giáp. Song, đại tá, anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp là người cứng cổ nhất, luôn thể hiện lập trường không chịu “tái cơ cấu” nên mới sinh ra họa trên.
Đại tá Phùng Quang Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng:

>

-@ - Vụ đại tá, anh hùng bị theo dõi kiểu xã hội đen
-Bài 1: “Bỗng dưng” khốn đốn vì bị thuê theo dõi người khác   

Chị Nguyễn Thị Nhung, quê ở Hùng Lô, Việt Trì, Phú Thọ, thường trú tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội vừa có đơn tố cáo gửi tới báo chí và các cơ quan chức năng phản ánh về việc vào tháng 4-2011, do thiếu hiểu biết, chị đã bị một số cán bộ thuộc Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc phòng) thuê người theo dõi một đại tá, Anh hùng Lao động. Nhận thấy việc làm mờ ám, khuất tất, chị Nhung đã từ chối “phi vụ” và làm đơn báo cáo cơ quan chức năng nhưng sau đó chị lại bị số cán bộ trên xâm hại quyền bí mật đời tư, khiến chị lâm vào cảnh khóc dở mếu dở. Còn các cơ quan chức năng trong quân đội sau khi làm việc với chị vẫn im lặng khó hiểu, khiến vụ việc đang có nguy cơ “chìm xuồng”…
“Phi vụ” theo dõi… người tốt

Theo đơn của chị Nhung thì vào tháng 4-2011, qua một người quen, chị đã được một cán bộ quân đội tên là Hoài, trợ lí tuyên huấn của Tổng công ty Thành An tới thuê chị theo dõi Đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp, khi đó đang là Giám đốc Công ty 36 trực thuộc Tổng công ty Thành An (nay là TCT 36 Bộ Quốc phòng). Hoài đã nói dối chị Nhung rằng mình là cán bộ thuộc Công ty 36, thuê chị theo dõi ông Giáp vì ông “không chịu làm mà chỉ phá đơn vị”, “đang xin chạy chọt để tách công ty ra khỏi tổng công ty” nên phải theo dõi, chụp ảnh ông Giáp đi đâu, làm gì, gặp những ai trong vòng 10 ngày để làm “bằng chứng sau này”. Hoài yêu cầu chị Nhung phải theo dõi chiếc xe Land Cuiser biển số AV-1189 và cung cấp các địa chỉ ông Giáp thường đến gồm: Nhà riêng ông Giáp, khu tập thể Biên phòng, Khu vực nhà hát Quân đội…Vẫn theo đơn tố cáo thì trước và trong quá trình được thuê theo dõi, chị Nhung đã được anh Hoài dẫn đến gặp ông Nguyễn Văn Then, Chủ nhiệm Chính trị Tổng công ty Thành An tại quán cà phê Winwin trên đường Láng và tại nhà riêng của ông Then. Ông Then đã có lần xem những hình ảnh Nhung chụp được và dặn dò chị phải tiếp tục theo dõi ông Giáp hàng ngày. Kèm theo đơn, chị Nhung cũng cung cấp nhiều bằng chứng như tờ giấy viết tay có chữ của ông Hoài, ông Then hướng dẫn chị theo dõi ông Giáp, ghi rõ cả địa chỉ nhà riêng ông Giáp và biển số xe của ông, đĩa ghi âm cuộc hội thoại giữa Hoài và Nhung, có nhiều đoạn Hoài thừa nhận việc thuê Nhung theo dõi…

Bút tích chữ viết ông Hoài, ông Then thuê và hướng dẫn chị Nhung thực hiện phi vụ theo dõi

Theo dõi được ít ngày, linh cảm có điều gì đó khuất tất nên chị Nhung đã gọi điện cho người quen để tìm hiểu ông Giáp là ai?. Khi biết ông Giáp là đại tá, Anh hùng Lao động, được nhiều người khen ngợi, tôn vinh, chị Nhung đã chủ động từ chối, không thực hiện “phi vụ” được thuê nữa song Hoài vẫn nài ép Nhung tiếp tục theo dõi. Hoài còn cung cấp rất rõ ngày giờ ông Giáp bay đi Đà Nẵng để chị Nhung triển khai công việc. Để “trấn an” chị Nhung thực hiện công việc cho mình, Hoài còn “bịa” ra chuyện cuốn sách “Đi lên từ những công trình” viết về Công ty 36 có nhiều điểm sai sự thật đang bị cơ quan điều tra thẩm định lại và ông Giáp có cả một đội quân “xã hội đen”.

Lo lắng vì bị Hoài nài ép, ngày 28-4-2011, chị Nhung đã tới nhà riêng của ông Giáp, gặp con gái ông để nói rõ sự việc ông Hoài, ông Then thuê Nhung theo dõi ông. Sau đó, ngày 2-5-2011, đại tá Giáp đã gặp Nhung để tìm hiểu sự việc và sau đó báo cáo cơ quan cấp trên về việc ông bị theo dõi. Theo trình bày trong đơn của chị Nhung thì ông Nguyễn Văn Then chính là người “chủ mưu” của vụ theo dõi.
Hành vi có tổ chức và ẩn chứa nhiều “khuất tất”?
Những tưởng sự việc sẽ chỉ dừng ở đó nhưng chị Nhung cho hay, chị đã gặp rất nhiều phiền toái và bị tổn hại nghiêm trọng vì những hành vi khuất tất tiếp theo của một số cán bộ Tổng công ty Thành An. Đầu tiên là Hoài, người đã trực tiếp thuê chị theo dõi ông Giáp. Tại cuộc gặp gỡ ngày 3-5-2011 mà chị Nhung đã ghi âm được, Hoài đã thừa nhận việc thuê chị và dặn chị “dừng ngay cái việc đó đi, việc anh nhờ Nhung, em cứ giữ lấy”. Hoài cũng tỏ ra buồn chán vì mới chuyển công tác từ Binh chủng Đặc công về Tổng công ty Thành An được 2 tháng và cho rằng mình là con nhà đặc công, dù ở đâu cũng không được làm mất uy tín, danh dự của Binh chủng. Tại cuộc gặp gỡ này, Hoài tỏ ra hối lỗi, ca ngợi ông Giáp là người tốt và việc Công ty 36 tách khỏi Tổng công ty, thành lập Tổng công ty mới là rất tốt. Điều này cho thấy việc Hoài thuê Nhung không thể tự phát mà phải có người chỉ đạo. Tuy nhiên, trái ngược với sự “ăn năn” lúc đầu, vài tháng sau Hoài đã “quay ngoắt 180 độ”, từ van xin Nhung giữ bí mật chuyển sang dọa nạt “nếu không giữ bí mật thì Hoài sẽ không tha”.
Được biết, đến nay, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, trong lúc các cơ quan chức năng đang làm việc thì ông Trần Văn Chương, Bí thư Đảng ủy Tổng công ty Thành An và ông Nguyễn Văn Then lại tiếp tục có nhiều hành vi mang tính “trấn áp” chị Nhung. Ngày 5/9/2011, ông Chương đã kí giấy mời số 01 gửi Ban chỉ huy Công an phường Trung Hòa quận Cầu Giấy, Hà Nội đề nghị chuyển giấy mời cho chị Nhung lên làm việc với Binh đoàn 11 (Tổng công ty Thành An). Tuy nhiên, sau khi chị Nhung lên làm việc với ông Viên, cán bộ của Binh đoàn tại trụ sở công an phường thì sau đó ở quê và bạn bè chị nhận được tin chị bị công an bắt. Chưa hết, sau đó ít ngày, vào đúng ngày khai giảng năm học mới ở xã Hùng Lô, Việt Trì, Phú Thọ, ông Chương và ông Then đã về mua lẵng hoa chúc mừng nhà trường sau đó vào UBND xã xin được xác minh lí lịch gia đình và bản thân chị Nhung với lí do “chị sắp chuyển công tác”, cho dù chị Nhung là lao động tự do, hoàn toàn không làm việc tại Binh đoàn 11. Việc này đã được ông Đức, Chủ tịch xã và ông Vinh, Trưởng công an xã xác nhận và cho biết thêm, ông Chương, ông Then đã về xã xác minh lí lịch của chị Nhung và gia đình chị hai lần.
Mất ăn, mất ngủ, mất việc làm sau khi được thuê theo dõi
Từ tháng 9-2011 chị Nhung đã nhiều lần phải làm việc với Cục Bảo vệ An ninh Quân đội song đến nay, vẫn chưa có kết luận nào về vụ việc được thông báo tới chị. Từ chỗ được thuê theo dõi người trái phép và chủ động từ chối việc làm sai trái này, chị không ngờ đã bị sa vào vòng lao lí, tốn rất nhiều thời gian, công sức và thiệt hại nặng nề cả về vật chất và tinh thần do những hành vi sai trái của các ông Hoài, Then, Chương và các cán bộ liên quan. Chị cho biết, gần đây, được biết Cục Bảo vệ An ninh Quân đội đã có kết luận vụ việc theo hướng bao che cho những người vi phạm trên, cho rằng những người đó không có sai phạm gì song không hiểu sao kết luận đó không được thông tin tới chị, là người đã có đơn gửi tới các cơ quan chức năng liên quan. Vì thông tin này mà chị tiếp tục bị gia đình, bạn bè, đối tác nghi ngờ, đánh giá xấu về bản thân, cho chị là kẻ bịa đặt, vu khống, sắp bị công an bắt. Những việc đó cộng với việc ông Chương, ông Then về quê xác minh, điều tra, gây dư luận xấu trong gia đình, người thân, làng xóm, khiến chị mất ăn mất ngủ, không dám về quê. Nhiều đối tác làm ăn của chị khi nghe tin cũng từ chối các hợp đồng công việc, khiến hoàn cảnh kinh tế thêm sa sút, dù chị đang nuôi con nhỏ. Chị Nhung tố cáo các ông Hoài, Then đã thuê và tổ chức thuê người theo dõi là hành vi trái pháp luật cả về dân sự và hình sự. Chị cũng tố cáo ông Chương, ông Then về quê xác minh lí lịch của chị một cách trái phép, xâm phạm bí mật đời tư, gây dư luận xấu ảnh hưởng đến công việc và tinh thần của chị. Riêng những thiệt hại về kinh tế từ các vụ việc này chị Nhung ước tính khoảng gần 3 tỉ đồng, yêu cầu những người liên quan gồm ông Hoài, Then, Chương phải xin lỗi chị bằng văn bản và bồi thường cho chị.
Mặc dù bị thiệt hại nghiêm trọng như vậy nhưng đến nay, chị Nhung vẫn chưa được Tổng công ty Thành An, Cục Bảo vệ An ninh quân đội thông báo kết luận xác minh vụ việc, dù chị đã nhiều lần gửi đơn thư hơn một năm qua. Trong khi đó, các ông Hoài, Then, Chương trong năm 2011 vừa qua vẫn được khen thưởng và được đề bạt quân hàm, quy hoạch vào vị trí công tác cao hơn. Chị Nhung cho rằng đã có dấu hiệu bao che khiến vụ việc chìm xuồng, cụ thể nhiều bằng chứng như giấy viết tay của ông Hoài, ông Then, đĩa ghi âm là có căn cứ nhưng đã bị cơ quan chức năng bỏ qua. Trong đơn, chị Nhung yêu cầu trưng cầu giám định chữ viết của ông Hoài, ông Thenvà kiến nghị vụ việc cần sớm được làm rõ, kiểm điểm và xử lí nghiêm các cán bộ sai phạm, gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 hiện nay.
@ - Vụ đại tá, anh hùng bị theo dõi kiểu xã hội đen
Vụ đại tá, anh hùng bị theo dõi kiểu xã hội đen:

Bài 2: Cần làm rõ, xử lí nghiêm minh hành vi trái pháp luật

Sau khi Báo Người cao tuổi đăng vụ việc chị Nguyễn Thị Nhung bị một số cán bộ Binh đoàn 11 thuê theo dõi một đại tá, Anh hùng Lao động có dấu hiệu mờ ám, khuất tất sau đó bị chính những người thuê mình xâm hại, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bất bình, yêu cầu làm rõ, xử lí nghiêm vụ việc này…


Luật sư Lê Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng cả về dân sự và hình sự


Hoạt động theo dõi người khác là không đúng quy định của pháp luật. Như chúng tôi biết thì trước đây ở Hà Nội có một vài công ty thám tử được Bộ Công an cấp giấy phép hoạt động nhưng chức năng rất hạn chế. Hiện nay, Nhà nước chưa cho phép hoạt động thám tử tư cũng như các loại hình dịch vụ cung cấp thông tin cá nhân. Còn hành vi điều tra, cung cấp thông tin cá nhân là vi phạm các quyền về nhân thân được pháp luật dân sự bảo vệ. Người bị xâm hại (bị theo dõi) có quyền khởi kiện ông Hoài, ông Then, cán bộ Tổng công ty Thành An để đòi bồi thường. Ở đây, người bị xâm hại thứ nhất là đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp nếu như việc theo dõi ông không có quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì không ai, kể cả cấp trên của ông có quyền theo dõi việc đi lại, làm việc, nhà riêng của ông. Người bị xâm hại thứ hai là chị Nhung. Có dấu hiệu cho thấy ông Then, ông Chương đã về quê chị thu thập các thông tin cá nhân một cách thiếu minh bạch, không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà lại “mập mờ” nói rằng xác minh để chị chuyển công tác. Việc thu thập thông tin đó cộng với việc bị tung tin chị bị công an bắt đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả về vật chất và tinh thần, chị Nhung có thể khởi kiện, đòi những người gây ra sự việc phải bồi thường…
Tôi thấy sự việc này có nhiều vấn đề cần phải làm rõ vì nó ẩn chứa cả những dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng cả về dân sự và hình sự. Cũng cần làm rõ dấu hiệu bao che của các cơ quan chức năng vì các chứng cứ mà chị Nhung cung cấp. Tôi thấy chị Nhung cũng cung cấp nhiều bằng chứng như tờ giấy viết tay có chữ của ông Hoài, ông Then hướng dẫn chị theo dõi ông Giáp, ghi rõ cả địa chỉ nhà riêng ông Giáp và biển số xe của ông, đĩa ghi âm cuộc hội thoại giữa Hoài và Nhung, có nhiều đoạn Hoài thừa nhận việc thuê Nhung theo dõi…mà cơ quan chức năng lại kết luận ông Hoài, ông Then vô can thì dấu hiệu bao che là rất rõ.
Luật sư Nguyễn Minh Anh (Văn phòng Luật sư Trí Minh – Hà Nội):Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Quyền được bảo vệ đời tư đã được đề cập trong Điều 12 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR): "không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy."Lí lịch, nơi ở, sinh hoạt cá nhân là những thông tin thuộc bí mật đời tư đã được pháp luật bảo hộ. Khi được coi là bí mật của một người thì không ai được thu thập, phổ biến cho người khác biết, trừ khi có sự đồng ý của người đó hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định pháp luật, khi một người bị xâm phạm về bí mật đời tư thì có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người phải chịu trách nhiệm là đơn vị hoặc người đã trực tiếp có hành vi để lấy thông tin về bí mật đời tư. Theo pháp luật, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở đây, cần làm rõ ông Hoài thuê chị Nhung vì động cơ gì, ai là người ra chỉ thị cho ông Hoài thực hiện việc này. Có dấu hiệu cho thấy đây là một vụ việc có tổ chức vì nếu không thì tại sao ông Then, ông Chương lại về Phú Thọ xác minh thân nhân chị Nhung mà không công bố quyết định của cơ quan chức năng.

Đại tá Đặng Thanh Thế, cựu Trưởng phòng Tổ chức Binh đoàn 11: Theo dõi vì động cơ cá nhân đê hèn, cần xử lí nghiêm

Vụ việc này chúng tôi đã biết cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cũng đã vào cuộc làm rõ, nghe nói anh Hoài cũng đã thừa nhận việc mình thuê chị Nhung theo dõi là do chỉ đạo của ông Then. Thế nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc. Trong khi đó, những cán bộ dính líu vào vụ việc này thì vẫn “bình an vô sự”, cả anh Hoài và ông Then đều được khen thưởng trong năm 2011 và năm nay ông Then còn có thể được đề bạt quân hàm đại tá, được quy hoạch vào nguồn cán bộ Bí thư Đảng ủy Binh đoàn thì thật vô lí. Dư luận cán bộ, quần chúng trong Binh đoàn rất bất bình về việc này. Bản thân tôi năm ngoái sau khi sự việc xảy ra, theo dư luận phản ánh, tôi đã gặp gỡ, khuyên nhủ anh Hoài và ông Then nhưng họ không nghe. Đã từ lâu chúng tôi đặt câu hỏi có hay không một thế lực nào đó từ cơ quan cấp trên bao che cho những hành vi sai trái ông Then và ông Hoài. Thời điểm xảy ra vụ việc tôi còn đang công tác tại đơn vị, tôi được biết không hề có một chủ trương, chỉ thị nào từ Thường vụ Đảng ủy hay chỉ huy Binh đoàn về việc theo dõi Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp. Việc tách công ty 36 ra khỏi Binh đoàn là chủ trương của trên, được Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng thông qua và phù hợp với xu thế phát triển của doanh nghiệp. Hành vi theo dõi đó theo tôi chỉ là ý muốn của một vài cá nhân với động cơ đê hèn, ám hại đồng đội và thiển cận nên đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu không xử lí nghiêm để làm gương thì không lẽ trong quân đội ta, đến cán bộ cao cấp, Anh hùng mà còn bị theo dõi, xâm phạm đời tư dễ dàng như thế sao? Đó là chưa kể đến cách hành xử thiếu nhân văn, thuê chị Nhung rồi sau đó lại “điều tra ngược” một cách mờ ám. Đi xác minh lí lịch sao phải giả vờ về quê người ta tặng hoa trường học, mời cán bộ xã ăn nhậu rồi nói dối xác minh để giúp người ta chuyển công tác. Sau đó, lại còn tung tin xấu làm hại chị ấy trong khi hoàn cảnh chị ta khó khăn, việc làm chưa ổn định, phải nuôi con nhỏ và bị thiệt hại nặng nề. Các hành xử đó làm ảnh hưởng đến uy tín quân đội, mối quan hệ tốt đẹp quân –dân. Tôi cho rằng những cán bộ liên quan phải bị xử lí gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng (Cầu Giấy – Hà Nội): Họ không xứng đáng với lời thề danh dự!

Tôi thật sự sốc khi đọc thông tin về vụ việc một Anh hùng Lao động, Đại tá, Tổng giám đốc mà lại bị chính đồng đội, cấp trên tổ chức theo dõi theo cách hành xử không khác gì bọn xã hội đen.Nếu anh Giáp có dấu hiệu vi phạm gì đó thì tổ chức Đảng, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra, Ban chỉ huy Binh đoàn hoàn toàn có thể xử lí theo đúng kỉ luật Đảng, kỉ luật Quân đội, pháp luật của Nhà nước hoặc thực hiện kiểm tra bất thường đảng viên có dấu hiệu vi phạm, phê bình và tự phê bình theo tinh thần đồng chí, đồng đội. Tại sao lại phải thuê người theo dõi, chụp ảnh, quay phim từ nhà ở, cơ quan đến quán cà phê theo từng bước chân người ta? Làm thế thật không xứng đáng với lời thề danh dự “hết lòng thương yêu giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận”? Nên nhớ rằng từ lâu, Bộ Chính trị đã có quy định cấm sử dụng các nghiệp vụ tình báo trong giải quyết các công việc nội bộ. Truyền thống Quân đội ta hơn 67 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành luôn nổi bật tinh thần đoàn kết, tình đồng đội, không thể chấp nhận kiểu theo dõi nhau đê hèn như vậy. Tôi nghĩ vụ việc tuy chưa gây ra hậu quả gì lớn nhưng thiệt hại lớn nhất là làm mất thanh danh, uy tín của quân đội ta. Vì vậy, nhân dịp Quân đội được chọn làm điểm trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, vụ việc này cần phải được coi là vụ việc “nổi cộm” mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng không thể không chỉ đạo làm rõ, xử lí nghiêm minh.



Chiều 11/7, trao đổi với phóng viên, Đại tá Võ Hồng Thắng, Tư lệnh Binh đoàn 11 cho biết: Ông mới về nhận công tác 2 tháng nên chưa nắm chắc vụ việc. Việc khen thưởng các ông Then, ông Hoài là do thực hiện từ năm 2011. Nay có đơn thư và báo chí phản ánh vụ việc này, ông sẽ báo cáo cơ quan cấp trên để làm rõ, xử lí đồng thời sẽ tiếp xúc với báo chí trong tuần tới. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Then phủ nhận mình “chủ mưu” thuê người theo dõi ông Giáp. Tuy nhiên, ông Then có nhắc đến việc ông Hoài đã thừa nhận với các cơ quan chức năng rằng đã được chỉ đạo thuê người theo dõi ông Giáp. Ông Then cho rằng, ông Hoài nói thế là việc của ông Hoài, đúng sai thế nào báo chí cứ làm việc với Binh đoàn sẽ rõ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét