Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Phỏng vấn các Nghị về việc Tập Cận Bình sang Việt Nam.

Ngày mai, 6-11, Tập Cận Bình sẽ thăm, phát biểu trước QH. Đây là lần thứ 2, lãnh đạo TQ phát biểu trước "cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất" của VN (lần trước, 2005 là Hồ Cẩm Đào). Và đến nay, chưa có lãnh đạo nước phương Tây nào có "đặc quyền" này. 
Các ĐBQH nghĩ gì về sự kiện này, đón đợi gì ở lời nói của Tập, lời đáp từ của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Tôi đã hỏi thử 3 ĐBQH, kết quả như sau:
. Ông vừa nghe loạt đại bác trong thành Hoàng Diệu đón nhà lãnh đạo TQ Tập Cận Bình tới thăm VN, và ngày mai, ông Tập sẽ thăm, phát biểu trước QH ta. Ông trông đợi gì từ người khách phương Bắc này?
+ ĐB Nguyễn Anh Sơn, Nam Định: Quan hệ Việt – Trung mà không có những chuyện ngư dân ta bị bắt giữ, đánh đập khi đang đánh bắt trên ngư trường truyền thông Hoàng Sa những năm qua, không có chuyện TQ đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của ta hồi năm ngoái, và giờ là chuyện họ bồi đắp đảo nhân tạo trên những điểm chiếm đóng trái phép ở Trường Sa... thì rất tuyệt. Lúc ấy, một cuộc viếng thăm của lãnh đạo cấp cao nhất Đảng, Nhà nước TQ sẽ thực sự tốt đẹp, ai cũng mong muốn.
Vậy nên, chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình rơi vào bối cảnh nhiều người dân chúng ta băn khoăn, suy nghĩ về tương lại quan hệ hai nước. Người dân không hài lòng, không yên tâm chút nào.
Và cũng do vậy, tôi, với tư cách một ĐBQH, và cũng là một người dân, đợi chờ ở chuyến thăm này, từ người lãnh đạo cao nhất TQ những lời thực sự chân tình, đồng chí anh em, láng giềng hữu nghị, rằng TQ thực sự tôn trọng VN trên thực tế, chứ không phải bằng lời nói. Tôi hi vọng, những điều mà ông Tập Cận Bình phát biểu trước QH giải đáp được những băn khoăn, lo lắng ấy của người dân VN. Không thể cứ nói hay ho hữu nghị, đồng chí, để rồi hành động thực tế không tôn trọng lợi ích của hàng xóm, láng giềng.
Những ngày qua, tôi cảm nhận được những luồng dư luận lo ngại, thậm chí không đồng tình với việc bố trí để ông Tập phát biểu trước QH. Tôi nghĩ, những suy nghĩ, trăn trở ấy là bình thường, bởi không thể có láng giềng hữu nghị theo kiểu lấy thế nước lớn chèn ép nước nhỏ.
. Vậy còn đáp từ của Chủ tịch QH ta, ông kỳ vọng gì?
+ Tôi tin tưởng, đáp từ của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng sẽ rất rõ ràng, vững vàng, phản ánh được những mong muốn thật lòng của nhân dân ta trong việc xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị chân thành thực sự với nhân dân TQ, nhưng cũng phản ánh được cả những lo ngại thực sự, phản ứng thực sự của nhân dân ta về những việc làm mà họ đã và đang gây ra trên biển Đông.

. So với thời điểm 10 năm trước, khi người đứng đầu Đảng, Nhà nước TQ lúc đó, ông Hồ Cẩm Đào, cũng sang thăm, rồi phát biểu trước QH ta, thì sao?
+ Rõ ràng là không thuận lợi rồi. Hồi đó, quan hệ hữu nghị đang tiến triển tốt đẹp. Vẫn đề biên giới phía Bắc và vịnh Bắc Bộ được hai bên tích cực giải quyết, đi vào ổn định. Hồi ấy, tôi theo dõi, thấy ông Hồ Cẩm Đào phát biểu chân tình lắm. Nhưng rồi không bao lâu, từ đó tới nay, bao chuyện xảy ra...
Tôi hi vọng, phía TQ có hành động thực tâm, khắc phục những gì mà họ đã gây ra trên biển.
. Phía TQ vẫn nói ta với họ là cộng đồng chung vận mệnh, ông nghĩ thế nào?
+ Họ vẫn nói thế, nhưng hành động có thế đâu.
Một cách chính thức, ta chỉ có Cộng đồng kinh tế ASEAN. Có lẽ, TQ nói thế để muốn kéo ta gần gũi hơn với họ.

ĐB Dương Trung Quốc, Đồng Nai:
Tôi nghĩ, lãnh đạo TQ tới thăm VN thì luôn được tiếp đón trọng thị, kể cả trong QH. Vấn đề là họ đáp lại tấm chân tình ấy thế nào. Ông Tập Cận Bình sẽ phát biểu trên cơ sở lợi ích của TQ, nhưng không thể gạt sang bên lợi ích của Vn được. Ta cũng vậy thôi. Nhưng điều chắc chắn, chúng ta cần đòi hỏi họ tôn trọng một nguyên tắc toàn cầu – đó là luật pháp quốc tế. Không có sự lựa chọn nào khác.
Từ khi ông Hồ Cẩm Đào phát biểu trước QH 10 năm trước, đến nay TQ đã bộc lộ rõ hơn tham vọng của họ. Người VN đang rất không hài lòng, và không khí này không thuận lợi mấy cho chuyến thăm của ông Tập.
Nhưng đó không chỉ là thử thách đối với ông Tập, mà với cả lãnh đạo chúng ta. Người dân đòi hỏi các vị lãnh đạo ta thể hiện được năng lực của mình trong giữ hòa khí với bên ngoài, nhưng quan trọng hơn, phải giữ được lòng người trong nước.

ĐB Trương Trọng Nghĩa, TP HCM:
Chuyến thăm của lãnh đạo các nước tới VN, cũng như của lãnh đạo VN tới các nước luôn là thước đo quan hệ. Những chuyến viếng thăm như thế thường là giúp củng cố, nâng cao quan hệ hữu nghị hoặc cải thiện, khắc phục những khúc mắc của đôi bên.
Nhưng suốt thời gian qua, đường lối, hành động của phía TQ không hề phản ánh sự hữu nghị, mà trái lại đã và đang đe dọa chủ quyền, lãnh thổ VN và kể cả các nước trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải. Họ hết bồi đắp đảo nhân tạo tới xây hải đăng, và vừa rồi còn tuyên bố các đảo, bãi đá trên biển Đông “vốn đã thuộc về TQ từ thời cổ đại”. Vậy làm sao có thể mang tới tình hữu nghị với nhân dân VN?
Nhân dân ta muốn hữu nghị, nhưng người lãnh đạo TQ phải thể hiện bằng hành động cụ thể là tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ VN trên biển Đông. Tôi kỳ vọng lãnh đạo VN, trong hội đàm riêng, hay phát biểu trước QH nói được hết cho ông Tập Cận Bình hiểu những suy nghĩ, tình cảm thực sự của nhân dân ta về những việc làm sai trái của TQ trên biển Đông.

PV Hoang Nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét