"...Ngày 1/12/2014, Luật sư Hà Huy Sơn - người bào chữa cho Nguyễn Thị Minh Thúy và Nguyễn Hữu Vinh đã gởi đơn tố cáo Giám thị Trại tạm giam B14 – Bộ Công an vì hành vi "cản trở quyền hành nghề Luật sư của các Luật sư."..."
Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2014
Kính gửi:
I. Người tố cáo:
Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn – Công ty Luật TNHH Hà Sơn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Địa chỉ: Số 156 Lê Đức Thọ kéo dài (Trần Vĩ), phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
II. Người bị tố cáo:
Đại tá Đoàn Văn Tình, chức vụ: Giám thị Trại tạm giam B14 – Bộ Công an.
Về hành vi cản trở quyền hành nghề Luật sư của các Luật sư.
III. Nội dung:
Ngày 10/05/2014 và ngày 15/05/2014, tôi được Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cấp giấy chứng nhận người bào chữa số 294/GCN và số 316/GCN, bào chữa cho bị can Nguyễn Thị Minh Thúy và bị can Nguyễn Hữu Vinh. Bị can Nguyễn Thị Minh Thúy và bị can Nguyễn Hữu Vinh bị khởi tố theo quyết định số 18/ANĐT-P3 ngày 13/05/2014 của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” điều 258, Bộ luật hình sự và bị tạm giam ở Trại tạm giam B14, Bộ Công an. Ngày 30/10/2014, Cơ quan An ninh điều tra đã kết thúc điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố bị can.
Thực hiện quyền hành nghề của Luật sư được quy định ở khoản 3 điều 27, Luật luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012, trích: “Khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối hoặc yêu cầu thay đổi luật sư hoặc luật sư không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”. Và tôi không thuộc trường hợp bị bị can từ chối và không thuộc trường hợp không được tham gia tố tụng. Ngày 05/11/2014, tôi đến Trại tạm giam B14 làm thủ tục đề nghị trích xuất bị can Nguyễn Hữu Vinh để làm công việc của người bào chữa. Sau khi tôi xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định thì được Đại úy Trần Mạnh Hồng bộ phận làm thủ tục của Trại trả lời là không trích xuất bị can với lý do: “Giấy chứng nhận bào chữa của Cơ quan An ninh điều tra đã hết giá trị sau khi kết thúc điều tra vụ án. Luật sư muốn làm việc với bị can thì phải có giấy chứng nhận người bào chữa do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cấp”. Tôi đã viện dẫn quy định trên của Luật luật sư để yêu cầu Đại úy Hồng thực hiện nhưng không được chấp nhận.
Việc Đại úy Hồng, Cán bộ Trại tạm giam B14 không trích xuất bị can Nguyễn Hữu Vinh để tôi gặp, thực hiện công việc của người bào chữa là xâm phạm quyền hành nghề của luật sư được quy định bởi:
- Điểm e khoản 2 điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự 2003;
- Khoản 1 điều 21 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung 2012.
Cùng ngày 05/11/2014, Công ty Luật TNHH Hà Sơn có Công văn số 037/2014/CV-HS “V/v: Không trích xuất bị can để luật sư thực hiện công việc của người bào chữa” gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 2), Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám thị Trại tạm giam B14 để yêu cầu được bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư Hà Huy Sơn.
Ngày 12/11/2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Văn bản số 4075/VKSTC –V2 “V/v: Chuyển đơn của Công ty Luật TNHH Hà Sơn để giải quyết theo thẩm quyền” gửi Trại tạm giam B14 – Bộ Công an.
Ngày 14/11/2014, Giám thị Trại tạm giam B14 ra Văn bản số 647/B14-TM “V/v trả lời đơn khiếu nại” gửi Luật sư Hà Huy Sơn, nội dung áp dụng khoản 2 điều 22 Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998 ngày 07/11/1998, trích: “Việc Luật sư đến Trại tạm giam B14 đề nghị cho gặp bị can mặc dù đã có Giấy chứng nhận người bào chữa do Cơ quan điều tra cấp, nhưng chưa có văn bản quyết định của cơ quan đang thụ lý vụ án, nên không được cán bộ Trại tạm giam B14 giải quyết, như vậy là đúng với quy định của Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ và không trái với quy định của Luật Luật sư như nội dung đơn của Luật sư đã nêu.”
- Căn cứ khoản 2 điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội, quy định:
“Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.”
Như vậy, Trại tạm giam B14 phải áp dụng khoản 3 điều 27 của Luật luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012 công nhận giá trị của Giấy chứng nhận người bào chữa do Cơ quan An ninh điều tra cấp để Luật sư Hà Huy Sơn được gặp bị can Nguyễn Hữu Vinh.
Ngày 20/11/2014, tôi gửi đơn khiếu nại (lần 2) tới Cục An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh II, Bộ Công an để được giải quyết nhưng đến nay (28/11/2014) quá thời hạn 07 ngày theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (điều 329) nhưng chưa nhận được trả lời.
Ngày 21/11/2014, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra Văn bản số 281/LĐLSVN “V/v Trại tạm giam B14 Bộ Công an không cho Luật sư gặp bị can” gửi Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Lãnh đạo Bộ Công an, Giám thị Trại tạm giam B14 – Bộ Công an; nội dung nếu đúng như sự việc Luật sư Hà Huy Sơn phản ánh thì Trại tạm giam B14 phải thực hiện khoản 3 điều 27 của Luật luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012 để Luật sư được gặp bị can.
Ngày 27/11/2014, Luật sư Nguyễn Tiến Dũng người bào chữa cho bị can Nguyễn Thị Minh Thúy trong cùng vụ án đến gặp bị can cũng không được giải quyết. Cán bộ Trại tiếp tục áp dụng khoản 2 điều 22 Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998 ngày 07/11/1998 để trả lời Luật sư. Sự việc đã được lập Biên bản.
Kết luận: Căn cứ điểm a khoản 1 điều 11 Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998 ngày 07/11/1998, quy định Giám thị Trại tạm giam: “Điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của Trại tạm giam theo đúng quy định của pháp luật;”. Vì vậy, Đại tá, Giám thị Trại tạm giam B14 – Bộ Công an phải chịu trách nhiệm về hành vi cản trở quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư Hà Huy Sơn.
- Căn cứ khoản 2 điều 33 của Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội 2003;
- Căn cứ khoản 3 điều 27a Luật tổ chức Quốc hội 2003, sửa đổi, bổ sung 200, quy định:
“Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp;”
- Căn khoản 2 điều 33của Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội 2003, quy định:
“Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu và chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải xem xét, giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định và thông báo về việc giải quyết đến Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định giải quyết.”
IV. Yêu cầu:
- Bộ trưởng Bộ Công an buộc Đại tá, Giám thị Trại tạm giam B14 trích xuất bị can Nguyễn Hữu Vinh và bị can Nguyễn Thị Minh Thúy để Luật sư Hà Huy Sơn được gặp và thực hiện quyền của người bào chữa.
- Bộ trưởng Bộ Công an xử lý theo quy định của pháp luật những người liên quan do hành vi làm trái quy định của Luật luật sư.
Trân trọng,
- Các tài liệu chứng cứ chứng minh:
1- Giấy chứng nhận bào chữa số 294/GCN ngày 10/05/2014;
2- Giấy chứng nhận bào chữa số 316/GCN ngày 15/05/2014;
3- Công văn số 037/2014/CV-HS ngày 05/11/2014;
4- Văn bản số 4075/VKSTC –V2 ngày 12/11/2014;
5- Văn bản số 647/B14-TM ngày 14/11/2014;
6- Đơn khiếu nại (lần 2) 20/11/2014;
7- Văn bản số 281/LĐLSVN 21/11/2014;
8- Biên bản sự việc ngày 27/11/2014.
Nơi nhận: Người làm đơn
- Như trên;
- Lưu, 02b.
Luật sư Hà Huy Sơn
LS Hà Huy Sơn
Theo blog Bauxite Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét