(Soha.vn) - "Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã hành động có chủ ý dù trước đó đã biết điều này sẽ là một bước đi khiêu khích, vi phạm luật pháp quốc tế".
Ngày 14/5, tạp chí Thế giới đa cực (Nga) đã đăng tải bài viết của tác giả Pavel Vinogradov phân tích âm mưu của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Dưới đây là những phân tích của ông Vinogradov trên tờ Thế giới đa cực:
Tình hình biển Đông đang nóng lên cao độ do Trung Quốc hành động một cách trắng trợn, không hề đếm xỉa tới quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác trong khu vực mà cụ thể ở đây là Việt Nam.
Mọi chuyện xảy ra từ đầu tháng 5 khi Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước đó không lâu, Trung Quốc tùy tiện áp đặt những quy định mới trong việc đánh bắt cá và hoạt động hàng hải trên biển Đông. Điều này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và quy tắc thông tin giữa những quốc gia có chủ quyền.
Tất nhiên, Việt Nam không thừa nhận và coi chúng không có hiệu lực. Đại diện chính thức của Việt Nam đã tuyên bố những yêu sách này của Trung Quốc là đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như những quyền của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Các quyền của Việt Nam đối với khu vực này không có gì thay đổi được. Quyền này được khẳng định theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp quốc năm 1982 (UNCLOS), và Hà Nội chắc chắn sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc tại các vùng biển của Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thông báo rằng, những hành động của Trung Quốc đang gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông kêu gọi các nước ASEANvà nhân dân toàn thế giới phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ ra rằng, cùng với việc hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc đã triển khai 80 tàu vũ trang và tàu quân sự, máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam. Các tàu Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng để tấn công, đồng thời đâm húc vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, làm bị thương một số người.
Trong một tuyên bố chính thức, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã gọi kế hoạch khai thác dầu khí của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam là trái với luật pháp quốc tế và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi khu vực trên.
Nhưng bất chấp sự phản đối từ phía chính phủ và nhân dân Việt Nam, Trung Quốc vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục đặt giàn khoan tại đây. Trước việc Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ của các nước láng giềng, Bắc Kinh lại trắng trợn tuyên bố một cách dối trá rằng "Hà Nội đang cố gắng một cách vô vọng nhằm lôi kéo các nước khác vào 'tranh chấp song phương'".
Philippines, Malaysia, Brunei... đã bày tỏ thái độ phản đối trước việc Bắc Kinh chủ trương gây bất ổn tình hình và tạo nên một điểm nóng căng thẳng nguy hiểm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tất cả những lập luận trên khẳng định rằng, các hành động của Bắc Kinh tại biển Đông là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Ngày càng có nhiều nước trên thế giới chính thức tuyên bố hành động của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là phi pháp và mạo hiểm.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã hành động có chủ ý dù trước đó đã biết điều này sẽ là một bước đi khiêu khích, vi phạm luật pháp quốc tế.
Những sự kiện gần đây cho thấy, Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ càng cho chiến dịch này trong bối cảnh các nước trong khu vực đang ngày càng gia tăng sự bất bình. Nhưng có vẻ như Bắc Kinh đã không lường được quyết tâm bảo vệ chủ quyền của các nước láng giềng. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã đặt cược hoàn toàn vào sức mạnh vũ lực.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc trước kia cũng đã xảy ra va chạm về lãnh thổ. Và lần này cũng như các lần trước đều là Bắc Kinh gây ra. Tuy nhiên, đây là sự việc nghiêm trọng nhất xảy ra giữa hai nước trong những năm gần đây.
Bằng những hành động và cách hành xử hung hăng, Trung Quốc đang cố ép Việt Nam đồng ý với cái gọi là “phương án vô chủ”. Bản chất của phương án này là buộc Hà Nội phải thừa nhận lãnh thổ chủ quyền của mình đang “có tranh chấp”, và theo đó Trung Quốc sẽ thực hiện các kế hoạch sử dụng vũ lực chiếm từng phần của biển Đông vốn giàu tài nguyên dầu khí.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn đang muốn cố hướng sự chú ý của dư luận từ những vấn đề xã hội nhạy cảm trong nước sang các vấn đề đối ngoại.
Tuy nhiên, những thủ đoạn nhằm bóp méo hình tượng Việt Nam thành “kẻ xâm lược”, “bên gây hấn” của Trung Quốc đã không thành công. Tất cả những ai hiểu biết tình hình và cách hành xử của Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp bằng vũ lực và cướp bóc, đều hiểu rất rõ ai là người có lỗi khi đe doạ hòa bình và an ninh trong khu vực.
Các nước ASEAN, với tinh thần đoàn kết cùng Việt Nam chống lại sự cưỡng ép bằng vũ lực của Trung Quốc có thể sẽ giúp đỡ đối tác của mình trong khối và hỗ trợ họ trong cuộc đấu tranh vì các quyền hợp pháp và chính đáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét