Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Nhìn lại nhân quyền Việt nam 2014

Nhìn lại nhân quyền Việt Nam 2014


VI. Tình trạng chết trong đồn công an, án oan sai và trấn áp luật sư:

Năm 2014, tình trạng công dân chết trong đồn công an không có dấu hiệu giảm đi và xu hướng “tự tử trong đồn công an, trại tạm giữ” ngày càng có xu hướng gia tăng.


3/1/2014: Nguyễn Văn Pha (60 tuổi), tại Phú Yên, được cho là chết do nhồi máu cơ tim trong trại tạm giam của công an tỉnh.

20/01/2014: Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1970, quê Thanh Xuân, Thanh Hà) đã tự tử tại sân trụ sở công an huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương sau ba ngày bị tạm giữ. Ông Hải được cho là đã nhảy từ tầng 2 trụ sở công an huyện xuống sân và tử vong. Tuy nhiên gia đình không đồng ý với kết luận trên vì trên người nạn nhân có các vết bầm tím ở mũi, lung và các ngón tay.

7/2/2014: Trịnh Hoàng Dương (23 tuổi, ngụ tại Đà Bắc, Hòa Bình) được phát hiện chết trong tư thế treo cổ bằng chăn tại nhà tạm giữ công an thành phố Hòa Bình sau gần 1 tháng bị giam giữ.

13/02/2014: Huỳnh Nghĩa (39 tuổi, trú tại thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa) đã tử vong sau khi được mời lên trụ sở công an xã làm việc vì có liên quan đến việc hái trộm tiêu trước đó. Theo cáo trạng do cơ quan chức năng đưa ra: ông Trần Văn Công, Trưởng công an xã Đạo Nghĩa, huyện Đắc R’lấp, tỉnh Đắc Nông cùng với hai công an viên Lê Văn Tâm và Nguyễn Hữu Tuyến đã tát và dung gậy cao su đánh người. Ông Nghĩa chết do đa chấn thương, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

11/03/2014: Huỳnh Nhất Trung (20 tuổi, ngụ tại phường Trần Quang Diệu, Tp Quy Nhơn, Bình Định) được phát hiện chết trong tư thế treo cổ tại nhà tạm giữ công an huyện Vân Canh sau hơn 2 tháng bị giam.

17/03/2014: Gia đình nạn nhân Lê Đức Thành (ngụ ấp Gia Lào, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) tố cáo với báo chí rằng công an xịt hơi cay vào mặt nạn nhân khi đang tham gia giao thông dẫn đến tình trạng mất tay lái và tông vào vệ đường dẫn đến tử vong.

19/03/2014: Bùi Thị Hương (42 tuổi, ngụ tại quận Dương Kinh, Hải Phòng) được phát hiện trong tư thế chết treo cổ bằng áo gió tại nhà tạm giữ hành chính, công an phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước một ngày trước đó.

20/03/2014: Lý Vị Hùng (sinh năm 1985, ngụ P2, quận 11, Sài Gòn) chết do chấn thương sọ não sau khi bị tạm giam hơn 1 tháng tại nhà tạm giữ công an quận 11. Công an kết luận do Hùng tự té ngã.

14/04/2014: Đỗ Văn Bình (ngụ xã Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam) được phát hiện trong tư thế chết treo cổ bằng vải màn xanh, vùng lưng và tay bầm tím tại phòng tạm giam công an huyện Hòa Vang, Đà Nẵng sau 4 ngày bị giam giữ.

12/05/2014: Nguyễn Đăng Cự (sinh năm 1972, trú tại thôn Nam Hương, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) được phát hiện chết trong tư thế treo cổ tại buồng tạm giam số 2, nhà tạm giữ Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

17/06/2014: Nguyễn Thị Gái (30 tuổi, tạm trú tại quận Bình Thạnh), chết chưa rõ nguyên nhân khi bị tạm giữ tại công an phường 10, quận 10, Sài Gòn.

25/06/2014: Nguyễn Văn Chín (44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) tử vong sau khi có cự cãi với lực lượng CSGT quận Tân Bình về việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Ông Chín đã bị côn đồ do một viên CSGT gọi đến đánh vỡ ruột non dẫn đến tử vong sau đó.

4/08/2014: Phạm Duy Quý (SN 1993, trú tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) được phát hiện chết trong tư thế treo cổ bằng màn tuyn tại nhà tạm giữ của Công an tỉnh Hải Dương.

5/08/2014: Trần Giang Nam (SN 1971, trú tại thôn Quyết Tiến, xã Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình) được phát hiện đã treo cổ tự tử bằng dây vải được xé từ chăn tại phòng tạm giữ Công an huyện Hưng Hà sau gần 10 tiếng bị giam giữ.

17/10/2014: Nguyễn Văn Sửu (sinh năm 1973, trú phường Bình Ngọc, tp Móng Cái, Quảng Ninh) được phát hiện chết trong tư thế treo cổ bằng vải xé ở quần nối thành dây tại nhà tạm giữ công an thành phố Móng Cái sau ba ngày bị giam giữ.

28/10/2014: Nguyễn Văn Hà (47 tuổi, ngụ khu phố 2, phường Tân An, thị xã La Gi) được phát hiện chết trong tư thế treo cổ bằng dây cột giày tại trụ sở công an phường Tân An, tỉnh Bình Thuận sau khi được mời làm việc 1 ngày trước.

29/12/2014: Trần Văn Tùng (sinh năm 1982, trú tại thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) được phát hiện chết trong tư thế ngồi chống 2 tay xuống đất, cổ treo sợi dây bằng quần thun cách mặt đất khoảng 60cm, dây cột trên cửa sổ, tại nhà tạm giữ lưu giam của công an huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sau 3 ngày bị giam giữ.

Cũng trong năm 2014, nhiều vụ án oan sai bị phơi bày trước công chúng. Điển hình là vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), bị kết án oan sai và phải ngồi tù trong 10 năm, phải chịu nhiều lần bức cung, nhục hình cho đến khi hung thủ thực sự giết người ra đầu thú. Từ vụ án này, người ta phát hiện ra nhiều trường hợp oan sai khác như Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), hai trường hợp bị kết án tử hình đang kêu oan là Hồ Duy Hải (Long An) và Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng). 

Năm 2014, cũng là năm mà giới luật sư phải chịu nhiều kiểm soát vô lý từ tòa án, bị sách nhiễu từ các cơ quan chức năng khi thực hiện bổn phận bảo vệ công lý của mình.

Tháng 4/2014: Luật sư Hà Huy Sơn, LS Trần Thu Nam gặp trở ngại khi yêu cầu cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho thân chủ là nhà đấu tranh Bùi Thị Minh Hằng trong quá trình tham gia tố tụng hình sự tại Đồng Tháp. Bà Bùi Thị Minh Hằng bị bắt giữ cùng hai người khác là Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh và bị kết án “gây rối trật tự công cộng”. Quá trình tạm giữ và tạm giam những người này đã gây khó khăn nhiều cho các luật sư và người thân khi đi thăm gặp.

Tháng 11/2014: Luật sư Hà Huy Sơn khiếu kiện Trại giam B14 - Bộ Công an khi không tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo quyền được gặp luật sư của ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anh Ba Sàm).

5/12/2014: Liên ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân TP. Tuy Hòa (Phú Yên) đã có văn bản kiến nghị gửi Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư (LS) đối với LS Võ An Đôn - luật sư bào chữa cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều - người bị công an thành phố Tuy Hòa đánh chết trong khi tạm giữ trái phép vào năm 2012.

Cũng trong tháng 12/2014, các luật sư tham gia tranh tụng vụ xét xử Nguyễn Đức Kiên bị cách ly và bị tạm giữ toàn bộ các thiết bị điện tử như điện thoại, iPad, laptop trước khi bước vào phòng xử. Một số luật sư đã gặp trở ngại khi bài bào chữa của mình nằm trong các thiết bị lưu trữ bị tạm giữ.

VII. Chế độ nhà tù khắc nghiệt và sự phản kháng của các tù nhân:

Trong năm 2014, với những chia sẻ từ các tù nhân chính trị được trả tự do như thầy giáo Đinh Đăng Định, Huỳnh Anh Trí, blogger Điếu Cày... nhiều người bên ngoài có thêm thông tin về chế độ nhà tù đầy khắc nghiệt tại Việt Nam: tù nhân chính trị bị nhốt chung với tù nhân hình sự, bị đánh đập, bị ngược đãi và bị phân biệt đối xử.

Tháng 1/2014: Chị Hồ Thị Bích Khương bị nhốt chung với các tù nhân nghiện ma túy và bị đánh đập. Sau đó chị còn bị biệt giam.

Nhiều tù nhân lương tâm trong khu giam riêng tại phân trại 2 (Z30A - Xuân Lộc) đã tuyệt thực gần 1 tuần để phản đối chính sách hà khắc của cai tù. Tại phân trại 2 - Z30A Xuân Lộc đã xây thêm một khu giam riêng để giam giữ các tù nhân chính trị nhằm cô lập thông tin. Khu giam riêng mới này có kết cấu giam khắc nghiệt hơn, mỗi buồng giam chỉ giam từ 03 người trở lại. Môi trường giam giữ rất khắc nghiệt, nóng bức, thiếu không khí, nước sinh hoạt thiếu thốn, bị phèn cao độ.

2/2/2014: LS Lê Quốc Quân bắt đầu tuyệt thực để đưa ra yêu sách và phản đối chế độ lao tù cộng sản khắc nghiệt.

14/02/2014: Gia đình blogger Tạ Phong Tần thông báo chị bị đối xử bất công trong trại giam số 5, thuộc huyện Yên Định, Thanh Hóa với tình trạng thời tiết khắc nghiệt và chế độ ăn uống bạc đãi.

8/03/2014: Người bất đồng chính kiến Ngô Hào bị cưỡng bức lao động tại trại giam Xuân Phước, tỉnh Phú Yên trong điều kiện sức khỏe kém.

14/03/2014: Blogger Tạ Phong Tần bị đánh trong phòng giam.

9/04/2014: Tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu tuyệt thực 16 ngày để phản đối việc bị phân biệt đối xử và không được giải quyết đơn khiếu nại trong trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa.

24/04/2014: Đinh Nguyên Kha tuyệt thực để phản đối chế độ hà khắc của trại giam K3, Xuyên Mộc khi không cho tù nhân đọc sách báo, nhận hình ảnh gia đình.

25/04/2014: Tù nhân lương tâm Đậu Văn Dương (bị giam tại trại 5, Lam Sơn, Thanh Hóa), Trần Hữu Đức, Trần Minh Nhật (trại giam K3 - Phú Sơn 4, Thái Nguyên) đồng loạt tuyệt thực để phản đối hành vi ngang ngược thu giữ sách, thư từ trái pháp luật và đối xử phân biệt đối với các tù nhân lương tâm của các cán bộ trại giam.

23/05/2014: Tù nhân lương tâm Võ Thu Thủy, sinh năm 1963, bị giam giữ tại K4 Trại 5 Yên Định Thanh Hóa, có nội dung tố cáo một số cán bộ trại giam số 5 Thanh Hóa về việc dung túng chuyện buôn bán ma túy và phân biệt đối xử với tù nhân Hồ Thị Bích Khương trong trại giam.

13/06/2014: Công an lén lút chuyển luật sư Lê Quốc Quân ra trại giam An Điềm, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

24/11/2014: Mục sư Nguyễn Công Chính bị cô lập khắc nghiệt trong trại giam An Phước (Bình Dương) bằng việc cắt giảm các quyền lợi của tù nhân như giao đất trồng trọt, không được gọi điện về nhà, bị khủng bố tinh thần bằng việc cán bộ trại giam sử dụng các tù nhân hình sự để khích bác, lăng mạ và đe dọa mạng sống ông.

17/12/2014: Blogger Tạ Phong Tần, tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Lộc, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị biệt giam tại trại giam số 5 Thanh Hóa. Chị Tạ Phong Tần và chị Minh Mẫn đã tuyệt thực 15 ngày để phản đối việc bị đối xử bất công.

VIII. Các phong trào, hoạt động cổ xúy nhân quyền:

Năm 2014 là năm chứng kiến sự khởi sắc của các nhóm - tổ chức XHDS tại Việt Nam bằng những bước đi, những hoạt động cụ thể.

Sau những nỗ lực vận động ngoại giao trong và ngoài nước, các nhóm, tổ chức XHDS đã có những buổi thảo luận công khai bàn về tình trạng vi phạm nhân quyền, cũng như có các khóa học bổ sung kiến thức và nâng cao kỹ năng bảo mật an toàn cho anh chị em đấu tranh.

19/01/2014: Tại Hà Nội, các bloggers đã tổ chức buổi tưởng niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa (1974-2014) tại khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ - Hồ Hoàn Kiếm. Buổi lễ đã bị phá rối khi cơ quan chức năng cho người đến cắt đẽo đá tạo ra tiếng ồn và bụi bặm mù mịt.

17/2/2014: Nhóm No-U Hà Nội và các blogger tổ chức tưởng niệm 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung (1979-2014) tại khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ. Buổi tưởng niệm này tiếp tục bị phá rối bởi lực lượng thanh niên tình nguyện, dân phòng, công an bằng cách mở nhạc thật to và tổ chức khiêu vũ.

Tháng 2/2014: Mạng lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) tổ chức buổi Cà phê Nhân quyền lần 1 tại Sài Gòn với chủ đề “Quyền tự do đi lại”. Buổi thảo luận công khai này có sự tham gia của nhiều người quan tâm và phóng viên quốc tế sau khi nhiều người bị cấm xuất cảnh một cách tùy tiện.

14/03/2014: Lần đầu tiên các tổ chức XHDS nhóm họp tại Sài Gòn và cố gắng duy trì thành buổi sinh hoạt chung được tổ chức luân phiên.

20/03/2014: MLBVN tổ chức Cà phê Nhân quyền lần 2 tại Hà Nội với chủ đề "Công dân bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh nhìn từ quan điểm Quốc tế". Buổi hội thảo diễn ra tốt đẹp với sự tham gia của nhiều người quan tâm, các đại sứ quán và đại diện nhóm Phản bác Tuyên bố 258.

Tháng 4/2014: Buổi cà phê Nhân quyền lần 3 với chủ đề “Công ước chống Tra tấn và vấn nạn công dân chết trong đồn công an” do MLBVN dự kiến tổ chức tại Nha Trang đã bị đàn áp thô bạo khi lực lượng an ninh thường phục bắt giữ các blogger SeaFree (Nguyễn Văn Hải), Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trịnh Kim Tiến, Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) ngay trước giờ khai mạc.

Tháng 5/2014: Lần đầu tiên hơn 20 tổ chức XHDS độc lập tại Việt Nam ra tuyên bố kêu gọi biểu tình chống hành vi xâm lược trên biển Đông của Trung Quốc bằng dàn khoan HD-981. Cuộc biểu tình ngày 11/05/2014 đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Sài Gòn và Hà Nội. Cũng là lần đầu tiên giữa Sài Gòn, các biểu ngữ đòi tự do cho những người yêu nước như Trần Huỳnh Duy Thức, Anh Ba Sàm, Bùi Thị Minh Hằng... được giương cao. Thông điệp của người dân với chính phủ được bày tỏ một cách dứt khoát rõ ràng: “Vì một quốc gia cường thịnh phải thay đổi”, “Tẩy chay 4 tốt, 16 chữ vàng”, “Hãy xứng đáng là lãnh đạo quốc gia”, “Tự do, dân chủ cho Việt Nam”...

Tháng 6/2014: Phong trào “Không Bán Nước” lan tỏa nhiều nơi. Bắt đầu từ người đàn ông gánh nước hôm 8/6/2014 tại Sài Gòn với biểu ngữ “Nước nhà không bán” và “Mất nước là chết”, các hoạt động ủng hộ ý tưởng mang tên "Không bán nước" sau đó liền được hưởng ứng và lan tỏa đến Nha Trang, Hải Phòng, Hà Nội.

Tháng 7/2014: Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra đời.

26/08/2014: Nhiều người hoạt động và những người quan tâm tới tình hình nhân quyền Việt Nam có mặt tại Đồng Tháp để tham dự phiên sơ thẩm xét xử nhà hoạt động nhân quyền, blogger Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh. Tất cả những người quan sát đều bị bắt giữ và không thể tham dự phiên tòa dù được thông báo là công khai.

Tháng 9/2014: MLBVN khởi động chiến dịch "Chúng Tôi Muốn Biết" với mục tiêu tranh đấu cho Quyền Được Biết và đòi hỏi nhà nước có trách nhiệm công bố những mảng thông tin đe dọa tương lai của Tổ quốc Việt Nam, và quan trọng hơn hết nó thúc đẩy mỗi người dân bước ra khỏi bóng đen sợ hãi của chính mình. 

Tháng 10/2014: Giữa lòng thủ đô Hà Nội, dân oan Bắc-Trung-Nam cùng đồng loạt biểu tình đòi lại ruộng đất và quyền con người. Các khẩu hiệu được giơ cao công khai trước trụ sở Thanh tra chính phủ, văn phòng Chủ tịch nước, văn phòng Thủ tướng là: "Quốc hội là của đảng cộng sản Việt Nam, không phải của nhân dân", "Yêu cầu giải tán quốc hội", "Quốc hội bù nhìn".

Tháng 11/2014: Khóa học về Truyền Thông - Bảo Mật - Pháp Luật - Nhân Quyền do Con Đường Việt Nam và Truyền thông Chúa Cứu Thế tổ chức thành công tại Hà Nội sau khi đã hoàn thành tốt đẹp tại Sài Gòn vào cuối tháng 5.

Tháng 12/2014: Các tổ chức XHDS cùng đồng loạt kỷ niệm ngày quốc tế nhân quyền rộng rãi khắp nơi.

IX. Nhà hoạt động ra tù:

2/2/2014: Tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn đã rời khỏi trại giam và về đến nhà sau khi mãn hạn bản án 30 tháng tù giam vì bị cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 BLHS.

22/03/2014: Tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Cầu được trả tự do sau 37 năm bị giam cầm bởi hai lần bị kết án với tội danh chống chính quyền XHCN Việt Nam.

7/04/2014: Tù nhân chính trị Cù Huy Hà Vũ được trả tự do trước thời hạn và được đưa sang Mỹ. Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù giam, 3 năm quản chế bởi điều 88 BLHS vào năm 2010 tại Hà Nội.

12/04/2014: Tù nhân chính trị Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi được trả tự do trước thời hạn. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế bởi điều 79 BLHS “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhà hoạt động Vi Đức Hồi bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chết bởi điều 88 BLHS “tuyên truyền chống nhà nước XHCN”.

13/05/2014: Lô Thanh Thảo mãn hạn tù sau khi bị giam giữ 2 năm với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Chị Thảo bị bắt khi quay phim chụp hình những người dân oan biểu tình.

26/06/2014: Người hoạt động bảo vệ quyền lao động Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do trước thời hạn. Minh Hạnh bị kết án 7 năm tù bởi điều 89 BLHS “phá rối an ninh”. Sau bị giam giữ hơn 4 năm trời, cùng với những nỗ lực vận động trong và ngoài nước, Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do và không bị quản chế.

6/07/2014: Dân oan Lê Thị Kim Thu mãn hạn tù sau khi bị kết án 2 năm tù với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” do công khai khiếu kiện từ các cấp địa phương đến trung ương cho vấn đề đất đai của gia đình cũng như người khác.

11/09/2014: Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa - một trong những người đi đầu trong phong trào dân chủ tại Hải Phòng mãn hạn tù trở về. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị kết án 6 năm tù giam bởi điều 88 BLHS “tuyên truyền chống nhà nước XHCN”.

13/09/2014: Nhà văn, nhà báo, blogger Phạm Viết Đào mãn hạn tù sau khi bị kết án 15 tháng tù giam theo điều 258 BLHS với cáo buộc đã có những bài viết “phỉ báng đảng và nhà nước... bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo đảng và thủ tướng”. 

25/09/2014: Bốn tù nhân chính trị Trần Tư, Nguyễn Tuấn Nam, Nguyễn Long Hội, Trần Hoàng Giang, những người bị kết án với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”, được trả tự do. Ông Trần Tư bị kết an chung thân, nay được phóng thích. Riêng ông Nguyễn Long Hội bị án chung thân và được giảm án xuống còn 20 năm, anh Trần Hoàng Giang bị án 15 năm tù và được trả tự do trước thời hạn hơn 5 tháng.

2/10/2014: Tù nhân lương tâm Đậu Văn Dương, một trong những thanh niên sinh viên Công giáo bị bắt giam tại Nghệ An, được ra tù trước thời hạn.

21/10/2014: Blogger Điếu Cày - một trong những biểu tượng của phong trào dân báo tại Việt Nam được trả tự do và bị trục xuất sang Mỹ. Blogger Điếu Cày bị kết án 12 năm tù bởi điều 88 BLHS.

22/10/2014: Tù nhân lương tâm Võ Thu Thủy được trả tự do trước thời hạn 5 tháng. Bà Thủy bị kết án 4 năm tù giam với cáo buộc ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’

2/11/2014: Tù nhân lương tâm Trần Hữu Đức, một trong những thanh niên sinh viên Công giáo bị bắt giam tại Nghệ An mãn hạn tù.

X. Nhân dân phản kháng

Năm 2014 diễn ra nhiều cuộc đối đầu nghiêm trọng giữa người dân với nhà cầm quyền, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến đất đai, nhà cửa. Khi quyền sống bị tước đoạt, đã xảy ra nhiều trường hợp mà người dân bị dồn đến đường cùng buộc phải xử dụng vũ phí để chống lại lực lượng cưỡng chế. Bên cạnh đó người dân cũng đã dũng cảm đứng lên, chống lại lực lượng công an khi chứng kiến họ làm sai.

10/02/2014: Đông đảo nông dân Văn Giang tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã đồng loạt tham gia giữ đất canh tác khi chủ đầu tư đưa xe đến ủi đất ở khu vực này. Lực lượng côn đồ đã sử dụng súng hoa cải bắn trọng thương nông dân Nguyễn Văn Nghiêm 44 tuổi.

24-25/02/2014: Hàng trăm dân oan Thủ Thiêm đã bao vây công trình của công ty G&S Hàn Quốc; yêu cầu dừng thi công và xuất trình giấy phép đầu tư và xây dựng. Chính quyền đã lợi dụng dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh để cướp 40.222m2, bán cho công ty G&S Hàn Quốc vào năm 2007 với giá 100 triệu USD. Tương đương 50 triệu VNĐ/1m2. Trong đó có diện tích đất của ông Vũ Huy Hoàng là 2.223m2; chỉ được đền bù 200.000 VNĐ/1m2.

27/02/2014: Dân oan Bắc Giang dùng bom xăng chống lại đoàn cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Năm 2007, giới chức huyện Lục Ngạn có chủ trương thu đất để thực hiện dự án xây dựng công trình “Đường nội thị thị trấn Chũ, tuyến Khí tượng - Bệnh viện Đa khoa Lục Ngạn” với chiều dài 1,7 km. Chủ trương này được toàn thể bà con khu vực đồng tình vì thu hồi đất để làm đường phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, con đường mới không hề đi qua phần đất của gia đình họ nhưng họ lại nhận được thông báo phần đất của gia đình họ cũng sẽ bị thu hồi để “làm đường”. Điều này đã khiến người dân phẫn nộ và quyết tâm bảo vệ đất đai của mình.

5/03/2014: Tại Tây Nguyên, bà con khiếu kiện trước trụ sở UBND tỉnh Dak Nông bị đánh.

27/03/2014: Chủ tịch phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội Lã Quang Thức cùng Trưởng CA Hà Văn Sơn chỉ huy toàn bộ lính tráng, dân phòng đến cướp đất của người dân trong phường một cách trái phép để giao cho tư nhân xây dựng. Bà con nhân dân hết sức phẫn nộ, phản đối những việc làm lộng hành, ngang ngược của đám cầm quyền địa phương. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang hung hãn đã chiếm và xây được gạch để bao quanh những mảnh đất của bà con.

28/3/2014: Hàng ngàn người dân Ninh Thuận tiếp tục kéo về trung tâm tỉnh để biểu tình, vây kín Quốc lộ 1 (đoạn vòng xoay ngã 5 Phủ Hà, TP Phan Rang - Tháp Chàm). Người dân yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho 6 người dân bị CA bắt giam trước đó vì phản đối nhà máy khai thác titan gây ô nhiễm. Đáp lại, nhà cầm quyền Ninh Thuận liền huy động công an, cảnh sát cơ động giải tán cuộc biểu tình bằng vũ lực. Người dân lập tức chống trả bằng cách ném gạch đá, đồ vật về phía lực lượng công an.

29/03/2014: Người dân Vũng Áng - Hà Tĩnh đã đoàn kết đồng loạt biểu tình chống lại việc cưỡng chế và làm tắc nghẽn đường từ Quốc lộ 1A đi xuống Vũng Áng. Giao thông bi ngừng trệ các phương tiện giao thông không thể đi qua khu vực bà con đã căng biểu ngữ, dựng lều quyết tâm giữ đất. Mọi phương tiện giao thông, kể cả taxi đều không thể qua được để vào cảng.

3/04/2014: Tại Bình Dương, 2000 công nhân công ty Wonderful Saigon Electric đình công vì phải tăng ca nhiều mà lương ít. Khi công nhân đình công tới ngày thứ 03 thì bảo vệ công ty đã tiến hành xịt hơi cay vào những công nhân biểu tình trước mặt nhiều công an sắc phục, khi công nhân cố đòi được gặp ban lãnh đạo công ty để nói chuyện.

8/04/2014: Hơn 50 dân oan tại nhiều tỉnh thành đã tập trung tới trước số 1 Ngô Thời Nhiệm để nộp đơn khiếu kiện đất đai. Họ không gặp được người trách nhiệm và trong khi chờ đợi đã có những cuộc gây hấn từ những côn đồ và an ninh mặc thường phục với người khiếu kiện.

25/4/2014: Nhà cầm quyền đã huy động lực lượng lên đến 1000 quân số, tiếp tục mở trận càn đàn áp nông dân giữ đất tại Dương Nội (Quận Hà Đông, Hà Nội). Ít nhất 10 nông dân Dương Nội đã bị công an bắt giam, trong đó có chị Cấn Thị Thêu và chồng là ông Trình Bá Khiêm. 

23/05/2014: Bà Lê Thị Tuyết Mai, nữ phật tử thuộc GHPGVNTN đã tự thiêu trước dinh Thống Nhất để bảo vệ đạo pháp và chủ quyền dân tộc. Trong những thư để lại bà Mai đã nói lên những tâm tư của bà trước tình trạng của đất nước: “Suốt mười ngày qua tôi sống thầm lặng và sôi sục lòng yêu nước, hôm nay tôi quyết chí đốt thân mình hòa ánh đuốc soi đường do những người xâm lược và ngoan cố chiếm đóng lãnh hải chúng tôi… Nguyện hồn thiêng đất nước cho con làm một việc yêu nước không gặp trở ngại, không có gì ngăn cản và đừng tìm cách cứu sống… Xưa kia hai bà Trưng hy sinh Thy Sách để nung nấu ý chí quân sĩ và nhân dân để chiếm đánh thành Ngọc Hồi, hôm nay tôi nguyện làm ngọn đuốc để hậu thuẫn, thêm sức mạnh cho cảnh sát biển cùng ngư dân”. Đám tang của bà Mai đã bị lực lượng an ninh làm áp lực với gia đình và sách nhiễu những người tham gia khi họ quay phim chụp hình.

20/06/2014: Ông Hoàng Thu Hùng đã tự thiêu tại Manatee County, Florida (Hoa Kỳ) để phản đối giàn khoan Trung Cộng. Nội dung thư viết tay ông Hùng để lại "Haiyang 981 phải rời khỏi hải phận Việt Nam" và "Anh hùng tử chí hùng nào tử". 

8/07/2014: Nguyễn Tiến Đạt (phường Bình Khánh, quận 2) đã đẩy lui lực lượng cướp đất hùng hậu của giới chức tham nhũng địa phương trong vụ cưỡng chế vừa qua diễn ra tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, Sài Gòn, bằng một can xăng 5 lít với lời tuyên bố sẵn sàng tự thiêu.

29/07/2014: Linh mục Trương Văn Vút trên đường đi làm lễ đã bất ngờ bị một nhóm công an giả dạng côn đồ chặn đường, đánh đập gây thương tích. Sau khi xảy ra vụ việc, người dân giáo xứ Đá Nện (xã Thanh Thạnh, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã lập tức yêu cầu nhà cầm quyền địa phương điều tra làm rõ thủ phạm, nhưng không được đáp ứng. Bất bình trước hành vi bao che tội ác của công an, người dân trong vùng đã buộc phải phản ứng bằng cách nổi lửa đốt đường, chặn một đoàn xe chở cán bộ và công an.

- 30/08/2014: Bà Ngô Thị Đức (74 tuổi) tại khu phố Trịnh Nguyễn (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã dùng dao chặt đứt lìa một ngón tay vì bị công an ép cung. Cụ Đức cho biết hành động chặt ngón tay để phản đối công an và giới chức cầm quyền địa phương đã dồn ép gia đình bà đến đường cùng. Bà Ngô Thị Đức từng là một đảng viên cộng sản, nhưng đã bị khai trừ do đã cùng nhân dân trong vùng phản đối việc cướp đất để xây dựng ‘Dự án nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn’ gây ô nhiễm.

Tổng cộng có 12 người đã bị CA bắt giữ với cáo buộc ‘gây rối trật tự’ chỉ vì đấu tranh yêu cầu di dời nhà máy nước thải đến một khu vực xa dân cư cách đó 1 km.

22/12/2014: Tại Hải Phòng, chị Nguyễn Thị Thúy, 37 tuổi, một bà mẹ của 8 đứa con và 3 người cháu đã phải dội xăng khắp người, tay cầm bật lửa đứng bên bình gas, sẵn sàng liều chết để bảo vệ căn lều tạm bợ trước nguy cơ bị nhà cầm quyền CSVN kéo quân tàn phá. Căn lều nơi chị sẵn sàng liều chết bảo vệ chính là chỗ tá túc của con cháu chị, 8 đứa trẻ giữa lúc trời đông rét buốt, trong đó cháu bé nhỏ nhất năm nay chỉ mới 10 tháng tuổi.

Không dừng ở đó, 23/12/2014, căn lều tạm bợ, nơi trú ngụ cuối cùng của cả gia đình chị, sau khi nhà ở chính thức, hợp pháp đã bị chính quyền địa phương cướp đoạt trên khu vực cánh đồng Linh (phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) bất ngờ bị một số kẻ lạ mặt ném bom xăng, phóng hỏa và nổ súng nhằm thủ đoạn thiêu rụi nơi trú ngụ của 9 đứa trẻ giữa những ngày cuối năm giá rét. Những kẻ thủ ác đã ra tay hết sức tàn độc khi cố tình ném bom xăng vào đúng gian lều có đặt bình gas và can xăng. Tại thời điểm bị phóng hỏa, bên trong căn lều có nhiều trẻ nhỏ.

Rất may, người nhà chị Thúy đã kịp đưa các cháu nhỏ chạy ra ngoài và di dời bình gas trước khi xảy ra cháy nổ, nếu không hậu quả sẽ vô cùng tàn khốc.

XI. Gương mặt dân chủ qua đời

8/01/2014: Blogger Hồ Đức Thanh qua đời vì bạo bệnh. Hồ Đức Thanh là một trong những người trẻ hoạt động nhân quyền tại Hà Nội.

22/02/2014: Luật gia Lê Hiếu Đằng qua đời tại Sài Gòn. Ông Lê Hiếu Đằng đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. HCM, và tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 4/12/2013.

3/04/2014: Thầy giáo Đinh Đăng Định qua đời vì bệnh ung thư dạ dày. Thầy Định được tạm thời trả tự do sau khi bị kết án 6 năm tù bởi phản đối dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên năm 2009. Trong những chia sẻ cuối đời của thầy, người ta thấy rõ hơn sự khắc nghiệt của chế độ giam giữ tù nhân chính trị tại Việt Nam.

22/06/2014: Facebooker Quê Thuốc Lào - anh Nguyễn Vũ Vỹ (sinh năm 1974) đã qua đời do bị sát hại tại nhà riêng ở Hà Nội. Anh Vỹ là một trong những người tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ nhân quyền và là một người nhiệt thành trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.

5/07/2014: Anh Huỳnh Anh Trí - tù nhân chính trị bị giam cầm 14 năm với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” qua đời vì căn bệnh HIV/AIDS. Anh Trí vừa được trả tự do 185 ngày. Trong những chia sẻ cuối đời anh cho biết các tù nhân chính trị tại Việt Nam thường bị giam chung phòng với những người tù hình sự, mà không ít người tù hình sự này đã nhiễm HIV/AIDS. Đây là một trong những phương thức đàn áp tù nhân chính trị, đàn áp những nhà bất đồng chính kiến của các nhà tù của cộng sản Việt Nam. Tệ hại hơn nữa là việc các giám thị, cán bộ quản giáo nghiêm cấm tù nhân không được sở hữu một số đồ dùng cá nhân như dao kéo, bàn cạo râu, mà buộc tất cả tù nhân phải dùng chung một dao cạo mỗi khi cắt tóc. Đây là lý do mà nhiều tù nhân chính trị khi bị bắt hoàn toàn mạnh khỏe nhưng sau một thời gian tù đày thì cơ thể cứ bị suy kiệt dần rồi mắc thêm nhiều bệnh cơ hội và qua đời một cách bí ẩn ở trong tù. Anh Trí cho biết, mỗi lần bị biệt giam, bị xích chung cùm chân với những người tù bị HIV trước đó là một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh này lây lan nhanh mà không ai ngờ tới.

29/07/2014: Thầy giáo Nguyễn Anh Dũng - một cựu chiến binh và là một nhà hoạt động xã hội nhiệt thành qua đời tại Hà Nội sau một thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 68 tuổi. Thầy giáo Nguyễn Anh Dũng sinh năm 1947, từng là giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, cựu chiến binh trong quân đội nhân dân Việt Nam. Từ năm 2000, ông bắt đầu tham gia đấu tranh chống áp bức bất công, lên tiếng kêu gọi dân chủ và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.

13/11/2014: Luật sư Trần Lâm, một trong những người đi tiên phong trong phong trào Dân chủ Việt Nam đã qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi. Luật sư Trần Lâm, tên thật là Trịnh Đình Tráng, sinh ngày 10 tháng 6 năm 1925 tại Nho Quan, Ninh Bình.

Sinh thời, LS Trần Lâm từng là một đảng viên cộng sản kỳ cựu và từng tham gia bộ máy Tuyên truyền của cộng sản như: Ban Tuyên huấn tỉnh bộ Việt Minh, Lạng Sơn, trưởng ty thông tin tuyên truyền Hải Phòng và Hồng Quảng (1950-1951), giảng sư chính trị từ năm 1962.

Chức vụ cao nhất luật sư Trần Lâm từng đảm trách là Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao của Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên sau này, người ta biết tới Trần Lâm với tư cách một Luật sư Nhân quyền, một trí thức yêu nước hơn là một “trí thức cộng sản”.

6/12/2014: Học viên Pháp Luân Công, thầy giáo Vũ Hồng Tố đã qua đời trong tù khi đang chịu án 5 năm tù giam vì tội “gây rối trật tự công cộng”. Thầy Tố được cho là đã tuyệt thực đến chết trong tù. Thầy giáo Vũ Hồng Tố cùng ba học viên Pháp Luân Công khác, đã bị bắt hồi tháng 2/2014 khi mang búa ra lăng Ba Đình ở Hà Nội để phá lăng theo như thông báo trước đó.

18/12/2014: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời tại Hải Phòng, hưởng thọ 81 tuổi. Ông Bùi Ngọc Tấn từng bị tập trung cải tạo 5 năm (1968-1973) vì tội “xét lại, chống đảng” mà không qua xét xử. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn là tác giả tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” - một trong những tác phẩm xuất sắc của Việt Nam trong vòng 4 thập niên gần đây. Đây là một quyển sách nổi tiếng nhận được sự quan tâm chú ý của quốc tế, và đã được dịch ra tiếng Anh, Đức và Pháp. Bùi Ngọc Tấn đã kể lại câu chuyện của một người tù mang tên Tuấn, theo đánh giá của giới quan sát thì thông qua người tù này người ta có thể nhận thấy cách “chính quyền Việt Nam trấn áp trí thức”. Chính vì vậy mà "Chuyện kể năm 2000" vừa in tháng Hai năm 2000 thì ngày 16/03/2000, bộ Văn hóa-Thông tin đã ký quyết định số 395, đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy cuốn này do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.

Nhìn lại năm 2014 – năm Việt Nam gia nhập HĐNQ LHQ, tình hình nhân quyền có vẻ như không được cải thiện mấy khi nhà cầm quyền sử dụng các hình thức vi phạm nhân quyền tinh vi hơn bằng cách phạt tiền, cũng như sử dụng côn đồ, gia tăng bạo lực đối với những người bất đồng chính kiến. Trong năm 2015, có lẽ các nhà hoạt động tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để phát triển và nâng cấp hoạt động đấu tranh ngày càng công khai, vững mạnh.

Mong ước năm 2015 sẽ là năm mà dân chủ nở rộ tại Việt Nam.

DLB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét