Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Xã phá rừng, dân vây trụ sở

Quảng Nam: Người dân vây trụ sở xã phản đối phá rừng, nuôi tôm
THỨ NĂM, 18/02/2016 20:15
Cho rằng bể chứa nước biển sẽ phá đi cánh rừng chắn sóng dài hơn 2km, gây ô nhiễm môi trường, hàng trăm người đã kéo lên trụ sở xã gây sức ép, ngăn cản dự án triển khai.


Ngày 18/12, hơn 300 người dân thôn Long Thạnh (xã Tam Tiến, Núi Thành, Quảng Nam), kéo lên trụ sở UBND xã để gây sức ép, đòi ngừng dự án xây bể chứa nước biển tại thôn này. Người dân vây kín chủ tịch xã để chất vất việc dự án chưa được sự đồng thuận nhưng vẫn cho triển khai.


Hàng trăm người dân vây kín trụ sở xã Tam Tiến để gây sức ép. Ảnh. Tiến Hùng.
Theo người dân, đầu tháng 11/2015, ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch xã Tam Tiến xuống thôn tổ chức họp dân, lấy ý kiến để xây dựng bệ chứa nước biển trong khu vực thôn này. Khi phần lớn hộ dân thôn Long Thạnh phản đối vì lo ngại ảnh hưởng môi trường…, vị chủ tịch xã tuyên bố  "dân không đồng ý thì xã cũng làm", khiến hàng trăm người bức xúc bỏ về.

Đây là công trình thuộc dự án xây dựng vùng nuôi tôm tập trung theo hướng công nghiệp được tỉnh Quảng Nam phê duyệt, giao Sở Nông nghiệp làm chủ đầu tư. Dự án với nguồn vốn của Nhà nước, ngoài bể lắng nước mặn dự kiến rộng khoảng 7 hecta còn có các công trình khác như kênh cấp, thoát nước; hệ thống giao thông; điện; ao xử lý nước thải…. Vùng rừng phi lao phòng hộ dài hơn 2km ở thôn Long Thạnh được chọn làm nơi xây bể lắng nước mặn, cách biển khoảng 100m.

"Rừng phi lao chắn sóng đã tồn tại từ nhiều đời nay, giờ phá đi sẽ ảnh hưởng đến người dân, cả khu vực này có nguy cơ bị kéo xuống biển. Làm một bể nước mặn lớn như vậy gần khu dân cư, nước cũng sẽ xâm nhập xuống mặt nước vốn cũng đang bị nhiễm mặn, khiến các hộ dân xung quanh không thể sử dụng để sinh hoạt", ông Huỳnh Đạo (63 tuổi), nói.


Khoảng 2km rừng phi lao chắn sóng sẽ bị phá nếu xây bể nước. Ảnh. Tiến Hùng.
Ngoài ra, theo người dân việc xây bể nước cũng sẽ bịt kín đường ra biển đồng thời làm nguy cơ sạt lở ở khu vực này. Theo quy hoạch, khu vực này chỉ có chức năng trồng rừng phòng hộ, chứ không phát triển nuôi tôm.

Khi người dân vẫn chưa đồng thuận với dự án, tối 16/2 nhiều đám cháy xuất hiện tại cánh rừng phi lao này. "Có khoảng 15 đám cháy nằm rãi rác trong cánh rừng, may mắn người dân phát hiện sớm nên kịp thời dập tắt. Ở những đám cháy có mùi xăng, chúng tôi nghi ngờ kẻ nào đó cố tình đốt cánh rừng này", anh Võ Quang Trường (37 tuổi), nói.

Sáng 17/2, dân thôn Long Thạnh cho rằng kẻ đốt rừng phi lao chính là người của dự án nên khi thấy xe tải chở vật liệu xuống khởi công, họ đã lập tực chặn xe. Công an xã đã có mặt để vãn hồi trật tự, tuy nhiên xe chở vật liệu sau đó phải "rút lui".

Cho rằng hai trong số hàng trăm người dân lớn tiếng gây rối, công an xã Tam Tiến sau đó gửi giấy mời họ lên làm việc. Sáng 18/2, hàng trăm người dân "hộ tống" hai thanh niên lên trụ sở đồng thời tìm gặp chủ tịch xã để làm rõ việc đốt rừng và khởi công dự án khi chưa có sự đồng thuận từ dân. Người dân tụ tập trong trụ sở đến hết buổi trưa nhưng vẫn không có cuộc đối thoại nào nên đành phải ra về.


Người dân mua trống, tổ chức canh gác cho cánh rừng nhằm đề phòng tiếp tục bị đốt. Ảnh. Tiến Hùng.
Lo ngại có kẻ tiếp tục lén lút đốt rừng đồng thời cho người khởi công dự án, người dân trong thôn mua trống, tổ chức người "canh gác" ở khu vực này. "Nếu phát hiện xe chở vật liệu và có người lạ đốt rừng, tiếng trống vang lên lập tức hàng trăm người dân sẽ có mặt", ông Huỳnh Đạo nói.

Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, cho rằng người dân không đồng ý là do lo lắng xây dựng bể chứa lắng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. "Họ còn tư tưởng bảo thủ, nặng nề khi cho rằng xây dựng trên đất thôn Long Thạnh mà không hề được hưởng lợi. Về đối tượng lén lút đốt rừng của người dân, lãnh đạo địa phương đang tích cực làm việc với cơ quan điều tra để làm rõ. Quan điểm của chính quyền là cùng với chủ đầu tư tiếp tục vận động, giải thích với người dân để ủng hộ dự án nuôi tôm bền vững”, ông Giúp nói.

Theo Tiến Hùng - VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét