Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Tàu chuẩn bị đánh Việt nam như thế nào ?

 Tóm tắt : ( ta nên so sánh phía VN khi đó- cuối 1978 -  bộ tổng tham mưu cũng đi thị sát biên giới Việt Trung về và báo cáo Tq chưa có tổ chức đánh lớn )

"Gerald Segal cho rằng động cơ chính của Trung Quốc trong tấn công Việt Nam là kiềm chế tham vọng và sự xâm lược của Việt Nam ở Đông Nam Á, ngăn chặn mối đe dọa Việt Nam đối với an ninh quốc gia Trung Quốc và phơi bày chỗ yếu của Liên Xô."

"Giữa tháng 12 năm 1978, các đại đoàn của Quân khu Quảng Châu và Côn Minh bắt đầu triển khai tới vị trí dọc theo biên giới với Việt Nam. Quân lính chuyển tới bằng đường bộ, trong khi thiết bị nặng và nguồn tiếp tế đến bằng đường sắt. Các đơn vị công binh xây dựng 3 cầu phao trên hai con sông chính ở Quảng Đông. Tổng cộng có hơn 168 100 quân cùng với 7 087 tấn nguyên liệu được vận chuyển từ Quảng Đông đến mặt trận. Bốn đại đoàn từ quân khu khác đi xe lửa tới các điểm đến ở Quảng Tây và Vân Nam. Đại đoàn 13— có tổng cộng 35 000 quân, cùng với 873 khẩu pháo, 1 950 xe, và trang thiết bị khác— đi 1. 00 km từ Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, bằng 90 chuyến xe lửa.

Mặc dù PLQ di chuyển vào ban đêm, giao thông đường sắt và đường bộ nặng tãi như thế đã phá vỡ lịch trình xe lửa bình thường và khơi gợi sự tò mò của nhiều người qua đường và khách du lịch. Tất cả các xe đều sử dụng biển số tỉnh Quảng Tây để che giấu nguồn gốc, và quân lính tắt sóng vô tuyến trong thời gian triển khai quân. Các hậu cứ vận hành các máy phát sóng của họ theo lịch thường xuyên để đánh lừa tình báo Việt Nam và các nước khác. Đến cuối tháng, tất cả các đại đoàn của Quân khu Quảng Châu, trong đó có đại đoàn 43 từ Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, thuộc quân khu Vũ Hán, đã vào vị trí của họ gần biên giới. Chu Đức Lễ sau này nhớ lại rằng các hoạt động chuyển quân đã được hoàn thành đúng tiến độ. Chỉ có một tai nạn xảy ra, làm một khẩu pháo bị hư hỏng và hai binh sĩ bị thương.

Theo tướng Lễ, lực lượng không quân và hải quân cũng đã triển khai quân cùng một lúc. Mười ba trung đoàn không quân cộng thêm 6 nhóm bay, cùng với các đơn vị phục dịch, đơn vị pháo phòng không (AAA) và tên lửa đất-đối-không (SAM), đã được đưa đến các sân bay ở Quảng Tây, gần biên giới. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát không quân ở hai tỉnh này chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù chỉ huy thống nhất là trọng yếu để hoạt động quân sự có hiệu quả trong chiến lược quân sự, hai bộ chỉ huy không quân tiền phương lại được lập ra theo hệ thống quân khu hiện có: tư lệnh không quân quân khu Vương Hải (Wang Hai/王海) được giao phụ trách ở Quảng Tây, và Hầu Thư Quân (Hou Shujun/侯书), giám đốc bộ chỉ huy không quân quân khu Côn Minh nắm quyền chỉ huy ở Vân Nam.
Để tránh leo thang xung đột, lãnh đạo ĐCSTQ giới hạn việc sử dụng không lực trong lãnh thổ Trung Quốc, ra lệnh cho các đơn vị không quân sẵn sàng yểm trợ cho các hoạt động trên bộ của PLA “nếu cần.” Tuy nhiên, lãnh đạo không đưa ra định nghĩa rõ ràng về tình thế “cần thiết” là gì hay nó có thể xảy ra khi nào; thay vào đó, các lãnh đạo bắt buộc rằng bất kì hoạt động nào ngoài không phận của Trung Quốc phải được CMC cho phép. Dựa trên nguyên tắc này, Không quân PLA (PLAAF) đề ra một chiến lược yêu cầu các đơn vị của mình sẵn sàng cung ứng cả phòng không lẫn yểm trợ mặt đất bất cứ lúc nào và thực hiện càng nhiều phi vụ càng tốt trên vùng trời biên giới để ngăn chặn lực lượng không quân Việt có hành động chống lại Trung Quốc. Các đội điều hành không quân đã được phái đến các bộ chỉ huy tiền phương của cả hai quân khu, và các nhóm hướng dẫn mục tiêu đã được gắn vào ban chỉ huy đại đoàn và sư đoàn trên bộ.

Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã triển khai một tổ công tác, có phiên hiệu là đội hình 217, gồm hai tàu khu trục tên lửa, một nhóm tàu tên lửa, một nhóm tàu phóng ngư lôi, và một nhóm tàu săn đuổi, đến quần đảo Hoàng Sa và các cảng ở Quảng Tây để chuẩn bị tấn công Hải quân Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Các đơn vị không quân của hải quân trên đảo Hải Nam đã được chỉ định canh chừng các hoạt động của hải quân Liên Xô ở Biển Đông. Trong trường hợp phải chiến đấu chống lại các tàu tuần dương của Liên Xô, PLAN đã thông qua một chiến lược phòng thủ sử dụng các đảo và bờ biển để che dấu tàu mang tên lửa, cho phép chúng phóng ra các cuộc tấn công bất ngờ từ vị trí ẩn nấp.

Sửa chữa và bảo trì các loại vũ khí và trang thiết bị là vấn đề dai dẳng khác cho lực lượng vũ trang PLA. Từ năm 1975, Đặng Tiểu Bình đã kêu gọi cải thiện chất lượng thiết bị, vật tư của PLA, nhưng dường như không có thay đổi đáng kể nào đã được thực hiện. Các chuyên gia quân sự tin rằng việc phục vụ hậu cần bền vững sẽ bảo đảm thành công quân sự. Tướng Trương Chấn nhớ lại rằng vấn đề tồi tệ nhất ông gặp phải là đạn dược với số lượng thiếu thốn và chất lượng kém. Kiểm tra ban đầu cho thấy rằng một số đạn pháo bị lép, và một phần ba của toàn bộ số lựu đạn không nổ. Học viên từ trường quân khí đã được điều đến giúp các kho của đại đoàn kiểm tra toàn bộ hàng tồn kho. Tổng cục Hậu cần cũng khẩn trương ra lệnh cho các ngành công nghiệp quốc phòng tăng cường sản xuất — đặc biệt là đạn pháo cỡ lớn, tên lửa, đạn xuyên thép.

Nguồn cung cấp dầu cũng là một mối quan tâm của Tổng cục Hậu cần. Không những hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đều xa cơ sở công nghiệp dầu khí của Trung Quốc ở phía đông bắc và tây bắc mà nhu cầu về dầu mỏ sẽ tăng mạnh nếu Liên Xô trả đũa lại việc tấn công vào Việt Nam. Ngoài ra, miền nam Trung Quốc cũng đang thiếu thốn các cơ sở chứa dầu. Do các cơ sở dầu ngoài trời có thể bị tấn công dễ dàng, Tổng cục Hậu cần đề nghị sử dụng vô số hang karst ở Quảng Tây để chứa nhiên liệu. Hơn 428 km đường ống dẫn tạm thời đã được đặt để cung cấp nhiên liệu cho bốn sân bay ở Vân Nam. Mỗi đại đoàn nhận được sự trợ giúp từ một trung đoàn xe ô tô để đảm bảo rằng binh sĩ nhận được hàng tiếp tế, nhưng từ giữa tháng 1, hàng tấn hàng tiếp tế vẫn còn chất đống tại trụ sở sư đoàn, khiến Tổng cục Hậu cần phải vội vả điều thêm 3 trung đoàn ô tô từ quân khu Nam Kinh và Phúc Châu tới. Trong nỗ lực đầu tiên của mình vào lúc các hoạt động quân sự đang tiến hành với một số lượng đáng kể các thiết bị kĩ thuật, PLA đã phải tìm thêm các kĩ thuật viên dân sự để trợ giúp trong việc bảo trì ô tô, xe tăng, và máy móc khác. . Tuy nhiên, nhiều vấn đề hậu cần tiếp tục nổi lên, cản trở hoạt động của PLA một khi cuộc xâm lược bắt đầu.
Vào lúc đó, hệ thống tiếp tế của quân đội Trung Quốc vẫn còn hổ lốn đòi hỏi mỗi đơn vị phải tự túc trong “cung ứng hàng tiếp tế thông thường”. Sự gia tăng đột ngột trong nhu cầu về lương thực và hàng tiếp tế khác là một thách thức đáng kể cho các cơ quan dịch vụ kinh tế và thương mại địa phương, họ phải xoay xở cung cấp hàng hoá cho cư dân địa phương lẫn quân đội. Các nhà cung cấp địa phương được yêu cầu cung cấp thêm gia súc cho quân đội, trong khi các nhân viên được phái tới các tỉnh khác thu mua thêm để đảm bảo cho mỗi người lính nửa lạng thịt lợn mỗi ngày. Theo một yêu cầu khẩn cấp của quân đội, các nhà sản xuất thực phẩm ở hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đã vội vả cung cấp 1,25 triệu kilô bánh quy cho binh lính trước cuộc xâm lược.
Mặc dù việc lập kế hoạch chi tiết do đội ngũ nhân viên quân sự thực hiện, nhiều sự kiện trên chiến trường vẫn chưa có trong dự kiến, một điều bất cập nhanh chóng cho thấy cuộc xâm lược Việt Nam rất tổn hao về xương máu và tiền của."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét