Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Công dân khiếu nại Tòa Nam Từ Liêm hà nội

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---oOo---
Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2015

ĐƠN KHIẾU NẠI
(LẦN 3)
 (Về hành vi không giải quyết khiếu nại cho đương sự của Chánh án tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội)
           
Kính gửi: Chánh án Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội.

Đồng kính gửi:

-         Chủ tịch nước CHXHCNVN – Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TW
-         Ủy ban Kiểm tra TW
-         Trưởng Ban Nội chính TW
-         Trưởng Ban Dân vận TW
-         Ủy ban Tư pháp Quốc hội
-         Ủy ban Pháp luật Quốc hội
-         Ban Dân nguyện Quốc hội
-         Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
-         Chánh án TAND Tối cao
-         Viện trưởng VKSND Tối cao
-         Bộ trưởng Bộ Tư pháp
-         Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
-         Ủy ban Kiểm tra thành phố Hà Nội
-         Bí thư Thành ủy Hà Nội
-         Thường trực HĐND thành phố Hà Nội
-         Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
-         Chánh án TAND thành phố Hà Nội
-         Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội
-         Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố Hà Nội
-         Trưởng Ban Nội chính thành phố Hà Nội
-         Trưởng Ban Dân vận thành phố Hà Nội
-         Viện trưởng VKSND quận Nam Từ Liêm
-         Các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông

Tôi tên: Phạm Thị Thanh Hương, là nguyên đơn trong vụ án “phân chia tài sản sau ly hôn” với bị đơn Phạm Chiến Thắng. Vụ việc đang được Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội giải quyết (theo Thông báo thụ lý số 479/2013/TLST-HNGĐ ngày 9/10/2013 của TAND huyện Từ Liêm - nay là TAND quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội).

Thưa Chánh án, trước những sai phạm pháp luật nghiêm trọng của những người tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án nêu trên và của bản thân Chánh án trong việc giải quyết các khiếu nại của công dân trong vụ kiện nêu trên, tôi đã có nhiều đơn khiếu nại gửi đến Quý Chánh án. Nhưng cho đến nay, không hiểu vì lý do gì mà những khiếu nại của tôi đã không được Quý Chánh án giải quyết theo quy định pháp luật.

Vì vậy, nay tôi tiếp tục làm đơn này gửi tới Chánh án với hy vọng mong manh là nó sẽ  có thể chạm đến lương tâm và trách nhiệm của Chánh án - một người được trao trọng trách giữ gìn công lý cho xã hội. Những khiếu nại cụ thể của tôi đã được gửi đến Tòa nhiều lần. Tuy nhiên, để Chánh án tiện theo dõi, tôi xin trình bày tóm lược lại như sau:

I. Về các sai phạm nghiêm trọng trong trong việc giải quyết vụ án “phân chia tài sản sau ly hôn” nêu trên của TAND Quận Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội:

1.      Sai phạm nghiêm trọng trong việc phân công người tiến hành tố tụng: Căn cứ theo Điều 50 BLTTDS: “việc đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng trước khi mở phiên tòa phải lập thành văn bản, trong đó nêu rõ lý do và căn căn cứ của việc đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng”. Tuy nhiên, việc thay đổi thẩm phán và thư ký trong vụ án này lại không có bất cứ một quyết định thay đổi nào.

Theo hồ sơ được phép sao chụp, ngày 9/10/2013, Tòa án đã có các quyết định phân công thẩm phán Nguyễn thị Kim Thúy và thư ký Trần thị Huyền Trang tham gia tiến hành tố tụng vụ án (BL47-48). Sau đó, từ khoảng đầu tháng 4/2014 đến nay, vụ án có sự thay đổi Thẩm phán và Thư ký. Cụ thể: Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Thúy và Thư ký Trần Thị Huyền Trang được thay bằng Thẩm phán Bùi Thị Thu Hồng và Thư ký Đỗ Thị Lệ Thủy. Nhưng việc này hoàn toàn không có bất cứ một quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng nào của Tòa án. Và đặc biệt nghiêm trọng hơn nữa là trong biên bản hòa giải ngày 16/10/2014 có ghi thư ký là ông Lý Kế Hiền, nhưng thực tế ông Hiền không có mặt tại buổi hòa giải. Tại buổi làm việc đó chỉ có duy nhất một cán bộ của Tòa là thẩm phán Bùi thị Thu Hồng. Hôm sau, tôi đến chụp tài liệu tại Tòa thì Thẩm phán Hồng có nói tôi sang gặp ông Hiền để sao chụp. Và thực sự là tôi không biết ông Lý Kế Hiền này “ở đâu ra”? Bởi không hề có bất kỳ một quyết định phân công người tiến hành tố tụng nào cho phép ông Lý Kế Hiền tham gia giải quyết vụ án.

Ngoài ra, tại buổi hòa giải ngày 27/11/2014, do thiếu sự hiện diện của thẩm phán Hồng, nên tôi đã yêu cầu ông Lý Kế Hiền cung cấp quyết định phân công của Tòa về việc ông Lý Kế Hiền được phép tiến hành tố tụng đối với vụ án nhưng ông Hiền đã không cung cấp được quyết định đó. Vì thế buổi hòa giải theo triệu tập đã phải dừng vì không có mặt thẩm phán Hồng và không có thẩm phán thay thế. Việc ông Hiền hoàn toàn không thể cung cấp được quyết định phân công của Tòa và buổi hòa giải trên buộc phải dừng đã chứng tỏ rõ ràng rằng, cho tới ngày 27/11/2014 ông Lý Kế Hiền hoàn toàn không được Tòa phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án. Như vậy, việc ông Hiền đã xem xét/nghiên cứu hồ sơ tài liệu của vụ án (khi tôi tới sao chụp hồ sơ tài liệu thì ông Hiền là người đã đưa cho tôi hồ sơ để sao chụp và qua buổi “nói chuyện” với ông Hiền chứng tỏ ông Hiền đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án) là hoàn toàn không đúng thẩm quyền và trái các quy định của pháp luật. Việc ông Hiền mời tôi lên Tòa để “làm việc” và đã “làm việc” với tôi vào ngày 24/11/2014 hay việc tiếp và làm việc với các đương sự tại buổi hòa giải ngày 27/11/2014 theo giấy triệu tập của thẩm phán Hồng - cũng là những hành vi và việc làm hoàn toàn trái với các quy định của pháp luật.

2.      Sai phạm nghiêm trọng trong việc tống đạt các văn bản, quyết định tố tụng: Căn cứ theo Điều 147 BLTTDS: “các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo”: Tất cả những quyết định phân công và thay đổi người tiến hành tố tụng nêu trên và một số văn bản tố tụng khác của vụ án: Quyết định gia hạn vụ án số 28/QĐ-TA ngày 10/2/2014 (BL258), quyết định tạm đình chỉ vụ án số 01/2014/QĐTĐC ngày 28/4/2014, đã không được tống đạt cho tôi.   

3.      Triệu tập đương sự bằng điện thoại. Điều này hoàn toàn trái quy định pháp luật. Bởi theo quy định thì việc triệu tập đương sự phải được thực hiện bằng văn bản và tống đạt hợp pháp cho đương sự.

Một thời gian sau buổi hòa giải ngày 16/10/2014, ông Lý Kế Hiền đã triệu tập tôi lên tòa để “nói chuyện” về khả năng hòa giải với bị đơn. Tuy nhiên, việc “tống đạt” nêu trên của ông Lý Kế Hiền được thực hiện bằng điện thoại mà không có bất kỳ văn bản tổng đạt nào.

4.      Làm việc với đương sự nhưng không lập biên bản đúng theo quy định: Theo Luật sư Lê Văn Tú (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tôi) thì Thẩm phán Bùi thị Thu Hồng đã thông báo cho Luật sư: “do vụ án quá phức tạp nên Tòa phải cử thêm một thẩm phán nữa là ông Lý Kế Hiền tiến hành tố tụng”. Nên sau đó, tôi đã gặp và “làm việc” với ông Hiền vào sáng Thứ Hai ngày 24/11/2014. Tuy nhiên, buổi “làm việc” này đã không được ghi biên bản đúng như quy định và tôi có đầy đủ chứng cứ về buổi “làm việc” này.

5.      Vi phạm nghiêm trọng về thời hạn trong quá trình giải quyết vụ án:

5.1. Thời hạn thụ lý vụ án: Sau gần 3 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ khởi kiện hợp lệ của tôi tòa mới “chịu” ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí để thụ lý vụ án. Trong khi theo quy định tại Điều 167 BLTTDS thời hạn này chỉ là 5 ngày làm việc.

5.2: Thời hạn thụ lý đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty VCOMM: gần 6 tháng kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu độc lập hợp lệ tòa án mới có thông báo đóng tiền tạm ứng án phí. Trong khi theo quy định tại Điều 178 BLTTDS thì thời hạn này cũng chỉ là 5 ngày làm việc.

5.3: Thời hạn thông báo thụ lý vụ án tới người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: thụ lý vụ án từ 9/10/2013 nhưng đến gần cuối tháng 2/2014 tòa mới gửi thông báo thụ lý cho các cơ quan, đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong khi theo quy định tại Điều 174 BLTTDS thì thời hạn này cũng chỉ là 03 ngày làm việc. 

5.4: Thời hạn xét xử: Thời hạn này theo pháp luật quy định (Điều 179 BLTTDS) là tối đa 6 tháng (đã tính gia hạn) nhưng tính đến ngày hôm nay, 26/3/2015 (đã trừ hai tháng tạm đình chỉ) thì thời hạn đã là gần 13 tháng. Tòa đã “quá hạn” gần 7 tháng.

6.      Việc sắp xếp và đánh số các bút lục trong hồ sơ vụ án là hết sức lộn xộn, không theo trình tự thời gian và diễn tiến của sự kiện. Các tài liệu từ đầu tháng 4/2014 đến nay không hiểu tại sao lại chưa được đánh số bút lục??? Nghiêm trọng hơn trong hồ sơ vụ án còn thiếu hẳn BL131 và đã bỏ ra ngoài nhiều văn bản/tài liệu là chứng cứ quan trọng:

-         Thông báo thụ lý vụ án đối với ông Phạm Văn Ái và bà Nguyễn thị Vinh đã tống đạt ngày 8/11/2013;
-         Văn bản của nguyên đơn đề nghị Tòa giải thích về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với căn hộ T2104, Làng Quốc tế Thăng Long;
-         Văn bản trả lời của thẩm phán Bùi thị Thu Hồng về yêu cầu trên;
-         Văn bản ngày 16/10/2014 của nguyên đơn yêu cầu ghi nhận một số thông tin trong phiên hòa giải ngày 15/10/2014;
-         Văn bản của Công ty cổ phần truyền thông V (VCOMM) về việc Tòa giao nhận văn bản không đúng ngày, không có dấu của Tòa;
-         Văn bản của VCOMM về việc đề nghị gia hạn nộp tiền tạm ứng án phí;
-         Quyết định định giá tài sản bổ sung, mặc dù có biên bản bàn giao quyết định này vào ngày 18/4/2014;
-         Thông báo yêu cầu cung cấp chứng cứ cho bị đơn đã tống đạt ngày 8/8/2014;
-         Một số văn bản/tài liệu làm việc của cơ quan công an với Tòa (theo cơ quan điều tra của công an thông báo).

7.      Tòa đã ban hành các quyết định và văn bản khống (BL118-119).

8.      Các biên bản hòa giải của Tòa đều thể hiện những nội dung không đúng với thực tế. Đơn cử là biên bản đề ngày 16/10/2014 có những điểm không đúng như sau:

-         Buổi làm việc thực tế đã diễn ra vào 15h00 ngày 15/10/2014 chứ không phải 14h30 ngày 16/10/2014;
-         Buổi làm việc hoàn toàn không có mặt ông Lý Kế Hiền mà biên bản lại ghi thư ký là Lý Kế Hiền. Thực tế, biên bản đó là do duy nhất thẩm phán Bùi thị Thu Hồng làm;
-         Thực tế nguyên đơn đã đề nghị ghi nhận mức độ đóng góp của các bên vào tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân mà biên bản lại không ghi nhận nội dung này;
-         Thực tế nguyên đơn xác nhận việc đăng ký mua 240.000 cổ phần của VCOMM và đề nghị hiểu rõ việc đăng ký và việc thực hiện mua cổ phần không phải lúc nào cũng đồng nhất – biên bản đã không thể hiện nội dung này;
-         Thực tế không có yêu cầu cụ thể của bị đơn về việc “tôi đề nghị nhận căn hộ T2104 Làng Quốc tế Thăng Long” mà biên bản lại ghi nội dung đó;
-         Thực tế không hề có xác nhận của nguyên đơn về việc đồng ý nộp tiền lãi phát sinh do chậm trả cho căn hộ T2104 Làng quốc tế Thăng Long mà biên bản lại ghi nhận như vậy;
-         Ý kiến của đại diện VCOMM bị cắt xén, cụ thể ông Hào trình bày về việc đã nhiều lần yêu cầu bị đơn trả lại tài sản hợp pháp nhưng không trả lời – cũng không được ghi nhận trong biên bản;
-         Biên bản không có chữ ký của Thẩm phán chủ tọa phiên hòa giải.

9.      Xác định không đúng số lượng cổ phần của tôi tại VCOMM: Tòa án đã sai khi đồng nhất số lượng cổ phần đăng ký mua với số lượng cổ phần sở hữu của tôi tại VCOMM. Bởi số lượng cổ phần đăng ký mua với số lượng cổ phần sở hữu không phải lúc nào cũng đồng nhất.   

10. Tòa chưa tiến hành thu thập chứng cứ cũng như chưa xác minh chính xác và đầy đủ các khoản nợ chung của nguyên đơn và bị đơn. Vô tình hay cố ý mà Tòa án đã “bỏ lọt” các khoản nợ chung của nguyên đơn và bị đơn. Gồm:

10.1. Nợ tiền nhà đối với căn hộ T2104 tòa nhà 28 tầng, làng quốc tế Thăng Long.

10.2.       Các khoản nợ của tôi tại VCOMM, gồm:

-         Các khoản tạm ứng có thể;
-         Khoản tạm ứng liên quan tới Hợp đồng ủy thác đầu tư và tài khoản chứng khoán cá nhân của tôi tại SSI;
-         Các khoản nợ của VCOMM; bởi vì Tòa muốn chia 240.000 cổ phần đã đăng ký mua của tôi tại VCOMM theo yêu cầu của bị đơn thì có liên quan chặt chẽ với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các khoản nợ của VCOMM tính theo quyền và tỷ lệ đã đăng ký mua cổ phần.

11. Việc định giá tài sản không chính xác. Cụ thể: việc định giá căn hộ 1108 CT2B, Mỹ Đình II và các đồ vật trong đó là không đúng giá trị và thiếu các cơ sở pháp lý cần thiết.

12. Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của việc phân chia tài sản khi ly hôn khi không xem xét đến mức độ đóng góp của mỗi bên vào tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân khi phân chia tài sản. Nguyên tắc này được quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ 2014: Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung”.

13. Thực hiện việc thu thập chứng cứ không đúng trình tự pháp luật quy định tại Điều 6 BLTTDS: Tòa án tự ý thu thập chứng cứ không theo trình tự đối với các yêu cầu phản tố không rõ ràng và thiếu căn cứ của bị đơn. Có dấu hiệu “bênh vực” cho bị đơn bởi hầu hết các “việc làm” của Tòa đều “tuân theo” một cách nhanh chóng các yêu cầu, đề nghị không nhất quán, thiếu căn cứ và hết sức tùy tiện của bị đơn. Còn đối với yêu cầu/đề nghị hợp pháp của bị đơn thì cứ bị tòa “ngâm cứu” mãi.  Cụ thể: đối với các yêu cầu phản tố của bị đơn liên quan đến các tài sản: căn hộ 707-CT3A khối B Mễ Trì Thượng; cổ phiếu SDU; cổ phần XD PCCC Sông Đà, cổ phần VCOMM, 02 chiếc xe ô tô, sổ tiết kiệm Techcombank (TCB), cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Tòa án đã tiến hành thu thập thông tin, chứng cứ “giúp” bị đơn một cách “thần tốc” (chỉ trong 4 ngày-trong đó có 2 ngày nghỉ), bất chấp quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ cũng như nghĩa vụ chứng minh của đương sự đưa ra yêu cầu. Cụ thể vi phạm Điều 6 BLTTDS: “Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”.

Nghiêm trọng hơn:

-         Đối với tài sản là căn hộ 707-CT3A khối B Mễ Trì Thượng tòa án đã tiến tống đạt thông báo thụ lý vụ án sai đối tượng đồng thời tiến hành thu thập chứng cứ (lập biên bản lấy lời khai ngày 8/11/2013) đối với những người chưa được đưa vào tố tụng là ông Phạm Văn Ái và bà Nguyễn Thị Vinh.
-         Đối với tài sản là 02 chiếc xe ô tô Honda Civic 30H-4654 và Kia Carens 30M-3672: Vào ngày 30/11/2013 bị đơn chỉ cung cấp bản sao thư điện tử không phải của nguyên đơn gửi cho bị đơn, có nhắc tới chiếc xe Kia Carens 30M-3672 chưa rõ ngữ cảnh; và tại mỗi lần nhắc lại yêu cầu phản tố này thì bị đơn đều không đưa ra được thêm bất kể chứng cớ nào khác thì đã ngay lập tức Tòa đã tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ; thậm chí Tòa còn có Quyết định trái với các quy định của pháp luật đối với việc ủy thác thu thập chứng cứ (cho TAND quận Cầu Giấy) với yêu cầu định giá đối với 2 chiếc xe ô tô không phải là tài sản chung của nguyên đơn và bị đơn mà Tòa đang biết rõ đó là tài sản của một tổ chức (VCOMM). Vậy nên, nếu có tranh chấp thì bị đơn phải khởi kiện VCOMM  ở một vụ kiện khác. Và việc Tòa cố tình cho tổ chức thực hiện xác minh, thu thập chứng cứ và định giá với 02 chiếc xe ô tô thuộc quyền sở hữu của pháp nhân VCOMM theo yêu cầu phản tố của bị đơn để nhằm mục đích phân chia tài sản sau ly hôn của hai thể nhân (nguyên đơn và bị đơn) là một sự cố ý vi phạm pháp luật nghiêm trọng của những người tiến hành tố tụng đối với VCOMM.
-         Vào các ngày: a) ngày 27/2/2014 bị đơn có đề nghị thẩm định giá trị tài sản đối với căn hộ T2104 tòa nhà 28 tầng làng quốc tế Thăng Long và 2 xe ô tô (các yêu cầu phản tố trước đây); b) ngày 17/3/2014 bị đơn có đơn đề nghị Tòa phân chia tài sản với sự khẳng định lại các yêu cầu phản tố là tài khoản chứng khoán SSI, sổ tiết kiệm TCB, cổ phiếu MB, yêu cầu quyết tóan thuế VCOMM, xe ô tô, cổ phần VCOMM; c) ngày 18/4/2014 bị đơn có đơn đề nghị định giá bổ sung với căn hộ T2104 và 2 xe ô tô (yêu cầu phản tố trước đây); d) và ngày 8/8/2014 bị đơn còn có bản tự khai nhắc lại yêu cầu phản tố với 2 chiếc xe ô tô - các đơn đề nghị/bản tự khai trên được đánh số BL216-218, 238-239, riêng 02 văn bản ngày 18/4/2014 và 8/8/2014 không có đánh số bút lục - thì ngay lập tức Tòa đều có các văn bản, hành vi tương ứng đáp ứng các yêu cầu/đề nghị của bị đơn như: a) các văn bản của Tòa ký ngày 28/2/14, văn bản ngày 10/3/2014 do Phó Chánh án Chu Thiện Nghĩa ký (đáp ứng đơn 27/2/2014 của bị đơn); b) văn bản của Tòa ngày 24/3/2014 do Phó Chánh án Chu Thiện Nghĩa ký (tương ứng với đơn 17/3/2014 của bị đơn); c) Quyết định định giá tài sản bổ sung ngày 18/4/2014 mà những người tiến hành tố tụng đã cố tình loại bỏ khỏi tài liệu vụ án, nhưng vẫn còn biên bản tống đạt quyết định này; Quyết định ủy thác thu thập chứng cứ ngày 18/4/2014 do thẩm phán Bùi thị Thu Hồng ký (đáp ứng đơn 18/4/2014 của bị đơn);
-         Về yêu cầu xác minh chứng cứ về cổ phiếu Ngân hàng TMCP quân đội (MB) thì Tòa đã nhận được trả lời chung chung từ MB và Công ty CP chứng khoán quân đội (MBS) và thiếu sót nhiều chi tiết. Tòa cũng đã không yêu cầu MB và MBS cung cấp các chi tiết giao dịch – đặc biệt là các giao dịch liên quan tới cổ tức của cổ phiếu MBS hàng năm bằng tiền hay thưởng cổ phiếu - tính từ thời điểm tôi chuyển giao số cổ phiếu này cho bị đơn vào thời điểm trước khi tôi sinh cháu thứ hai (xin cung cấp thông tin: từ 7/2009 tới 11/1/2012 cổ phiếu MB chưa niêm yết thì MB có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch chi tiết, còn từ 11/1/2012 tới nay khi cổ phiếu MB đã niêm yết là thuộc quản lý của MBS nên MBS phải có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch chi tiết); trong khi đó Tòa đã biết và nhận được các chi tiết về giao dịch tài khoản chứng khoán tại SSI.

Thưa Chánh án, những nội dung vừa trình bày trên đây đã chứng minh rõ ràng hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng (thủ tục tố tụng và nội dung vụ án) từ phía những người tiến hành tố tụng (tất cả những cá nhân đã nêu ở trên). Đồng thời cho thấy nhiều dấu hiệu “không khách quan” của những người được gọi là “cầm cân nẩy mực” trong vụ án. Bởi tất cả dường như chỉ thuần túy “phục vụ” yêu cầu, quyền lợi bất hợp pháp của bị đơn.

Thưa Chánh án, do chưa nghiên cứu hết và kỹ các hồ sơ tài liệu vụ án đã sao chụp, cũng như do trong hồ sơ vụ án còn chưa có đầy đủ các tài liệu - nên trên đây chỉ là những ý kiến của tôi tới thời điểm hiện nay về các thiếu sót, sai phạm của những người tiến hành tố tụng; tôi sẽ tiếp tục có ý kiến sau này nếu phát hiện thêm các nội dung khác mà tôi thấy có thể có sai phạm. Nhưng, với hàng loạt thiếu sót, sai phạm nghiêm trọng của những người tiến hành tố tụng mà tôi vừa trình bày - đặc biệt là các sai phạm liên quan tới việc đáp ứng vô điều kiện, vô nguyên tắc các yêu cầu phản tố tùy tiện của bị đơn, có những sai phạm của những người tiến hành tố tụng là sự cố ý vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thậm chí có tính chất hình sự - đã chứng tỏ thêm rằng, nếu Tòa coi vụ án đây là phức tạp và kéo dài quá thời hạn quy định, thì chính tất cả những người tiến hành tố tụng cho tới thời điểm hiện nay của vụ án cũng đã và đang góp phần lớn vào sự phức tạp, kéo dài này của vụ án.

II. Về các sai phạm nghiêm trọng trong trong việc giải quyết khiếu nại liên quan đến vụ án nêu trên mà Chánh án phải là người chịu trách nhiệm:

-         Liên quan đến những sai phạm nêu trên của TAND quận Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội, ngày 27/11/2014 tôi đã có đơn khiếu nại gửi tới Chánh án. Tiếp theo đó, ngày 28/11/2014 tôi đã có đơn khiếu nại thứ hai (bổ sung cho đơn khiếu nại ngày 27/11/2014) gửi tới Chánh án.

-         Sau đó, ngày 12/12/2014, tôi có nhận được điện thoại của ông Chu Thiện Nghĩa, Phó Chánh án. Ông Nghĩa đề nghị tôi tới TAND quận Nam Từ Liêm để gặp và làm việc về các khiếu nại của tôi. Theo đó, ngày 17/12/2014 tôi đã đến làm việc với ông Nghĩa. Tại buổi làm việc này, ông Nghĩa đã thông báo cho tôi biết, ông đã được Chánh án phân công giải quyết các đơn khiếu nại của tôi. Đồng thời, ông Nghĩa cũng cho tôi hay rằng buổi làm việc chỉ giới hạn trong phạm vi đơn khiếu nại gửi ngày 27/11/2014 của tôi mà thôi và hoàn toàn chưa đề cập tới đơn khiếu nại thứ 2 gửi ngày 28/11/2014 với lý do phải chờ các thẩm phán và những người có liên quan làm tường trình đối với các nội dung khiếu nại.

-         Tại buổi làm việc ngày 17/12/2014, Phó Chánh án Chu Thiện Nghĩa đã đưa ra các ý kiến về các nội dung khiếu nại tại đơn đề ngày 27/11/2014, đồng thời ông Nghĩa đã hứa rằng sẽ nhanh chóng trả lời cho tôi bằng văn bản về các khiếu nại tại đơn này (chậm nhất là cuối tuần làm việc, tức là tuần từ ngày 15-19/12/2014). Tại buổi làm việc đó tôi cũng đã khẳng định các nội dung sau:
·        Cho tới khi đến Tòa làm việc, tôi vẫn không nhận được giấy mời tới làm việc mà ông Nghĩa khẳng định là đã gửi cho tôi.
·        Việc giải quyết khiếu nại theo các đơn ngày 27/11/2014 và 28/11/2014 cho tới thời điểm 17/12/2014 đều đã quá thời hạn theo các quy định của Bộ Luật TTDS.
·        Tôi khẳng định lại các nội dung khiếu nại của mình và mong sớm nhận được văn bản trả lời/giải quyết đơn khiếu nại ngày 27/11/2014 như ông Nghĩa đã hứa là sẽ gửi, sau khi có văn bản trả lời thì tôi sẽ có ý kiến chính thức về việc giải quyết khiếu nại;
·        Tôi cũng đã đề nghị ông Nghĩa sớm làm việc và giải quyết các nội dung khiếu nại ở đơn đề ngày 28/11/2014 của tôi.

-         Tiếp theo đó, ngày 30/12/2014 tôi đã có đơn khiếu nại về việc chậm giải quyết khiếu nại gửi tới Quý Chánh án và Viện trưởng VKSND quận Nam Từ Liêm nhưng vẫn không nhận được bất kỳ sự hồi đáp nào.

-         Và tính đến hôm nay, 26/3/2015, đã  hơn 3 tháng trôi qua, thời hạn giải quyết khiếu nại theo luật định đã bị vi phạm nghiêm trọng nhưng tôi vẫn chưa nhận được văn bản trả lời/giải quyết khiếu nại tại đơn ngày 27/11/2014. Đồng thời, cho tới giờ phút này tôi cũng không có bất kể một phản hồi nào về việc giải quyết các nội dung khiếu nại tại đơn thứ 2 ngày 28/11/2014 (mà TAND quận Nam Từ Liêm đã nhận ngày 02/12/2014). Trong khi thời hạn này theo luật định (Điều 396 BLTTDS) là 15 kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.


Thưa Chánh án, tất cả những sai phạm nêu trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Mà người có trách nhiệm cao nhất là Chánh án. Vì vậy, một lần nữa, tôi yêu cầu Chánh án phải nhanh chóng xem xét, giải quyết đối với tất cả các khiếu nại của tôi và tiến hành khắc phục các sai phạm đã nêu trong đơn này. Đồng thời, xem xét xử lý nghiêm những người tiến hành tố tụng trong vụ án, mà cụ thể là những cá nhân có nêu tên ở trên đã có hành vi bất chấp pháp luật một cách có hệ thống trong việc xét xử và giải quyết khiếu nại của công dân.

Cuối cùng, tôi xin Chánh án lưu ý điểm sau: Tôi được biết Việt Nam là quốc gia thứ 2 đã ký vào Công ước quyền trẻ em và bình đẳng giới, mỗi năm phụ nữ Việt Nam có 2 ngày để tôn vinh, vậy thì không hiểu tại sao những người tham gia tiến hành tố tụng của TAND quận Nam Từ Liêm lại đang cố tình tìm mọi biện pháp, thậm chí thủ đoạn, để bảo vệ tối đa quyền lợi cho bị đơn nam giới. Trong khi tôi là phụ nữ đang nuôi 2 con nhỏ - không nhận bất kể khoản chu cấp nào cho việc nuôi con từ phía bị đơn – hiện đang phải thuê nhà để ở, thì một căn nhà tài sản chung hợp pháp thì bị đơn, bằng quan hệ nào đó, cố tình ngăn cản không cho chúng tôi được nhận để ở; căn nhà tài sản chung hợp pháp còn lại thì bị đơn đang sử dụng để ở chung với người hôn phối mới và những đứa trẻ khác.

Tôi rất mong đơn khiếu nại lần 3 này của tôi sẽ chạm tới Chánh án, không chỉ là người cầm cân nảy mực mà còn cả dưới góc độ một con người nhân tính.

Trân trọng.    

Kính đơn




Phạm thị Thanh Hương




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét