Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Gia đình có ai thế hệ gắn bó với Trường sa.

 FB An Ho.
VỌNG PHU CHỜ CHỒNG, TRÔNG CON



Ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh nằm khép mình trong con ngỏ hẹp ở thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh). Chủ nhân ngôi nhà là một người phụ nữ nông dân thuần phác, cả đời chị lặng lẽ trong chờ chồng, đợi con biền biệt xa ngái… cơ chừng dễ hóa đá vọng phu!
Sáng nay, chị dậy sớm dọn vén nhà cửa, xong chạy ra chợ kiếm chút thịt, con cá, mớ tôm dân dã của làng quê về chuẩn bị bữa cơm trưa chờ thằng út từ Trường Sa về. Xong xuôi, chị vẫn cứ thấy bần thần trong dạ, thiếu thiếu điều gì đó. Ngẩn người suy nghĩ rồi chị khe khẽ à lên! Thằng cả nhìn mẹ rõ buồn cười! Chị bước vào bàn thờ, thắp ba nén nhang trước di ảnh một người lính, ánh mắt sâu trong sáng nhìn chị như cười.
Người phụ nữ đó tên Trần Thị Liễu, vợ liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong, người anh hùng mãi mãi nằm lại nơi biển đảo Trường Sa trong một trận chiến không cân sức giữ đảo năm 1988. Thằng con trai đầu của chị, Nguyễn Mậu Trường, bộ đội Trường Sa vừa ra quân. Bữa cơm trưa hai mẹ con chuẩn bị để đón thằng trai út, Nguyễn Tiến Xuân, sỹ quan Hải quân nhân dân Việt Nam ở Trường Sa, đang tranh thủ mấy ngày phép ghé về thăm mẹ.
Nguyễn Tiến Xuân ùa vào nhà mang theo hơi biển mặn mòi. Ngôi nhà bổng chốc rộn tiếng cười, bà con lối xóm biết Xuân về sau thời gian biển Đông dậy sóng lần lượt kéo tới thăm. Chị Liễu ngồi lặng đi, nước mắt chực trào, mặt rạng ngời hạnh phúc khi thấy các con khôn lớn, trưởng thành, tiếp bước người cha anh hùng góp phần giữ gìn toàn vẹn biển đảo thiêng liêng.
Chị lại thắp những nén nhang lên bàn thờ chồng. Anh run rủi thế nào mà trong ngôi nhà nhỏ ba mẹ con tao ngộ đủ đầy. Hiếm lắm! chuyện chị gặp các con, khi Trường về thì Xuân đi, khi Xuân về, anh trai biền biệt phía trời Nam. 
Chị lại nhớ đến anh- liệt sỹ Trường Sa Nguyễn Mậu Phong!
Chị lại nhớ… những tháng ngày như hóa đá chờ chồng!
Chị kể: Trước lúc chuẩn bị ra Trường Sa, tháng 4- 1987, anh tranh thủ những ngày phép xây cho mẹ con ngôi nhà nhỏ. Đêm gần về đơn vị, anh lên cơn sốt cao. Thương chồng, chị khuyên anh ráng ở đôi ngày, đợi hết bệnh rồi đi. Anh dặn chị cố gắng chăm sóc con cái, nhiệm vụ bảo vệ biển đảo phải đặt lên hàng đầu, Trường Sa đang dầu sôi lửa bỏng, người lính như anh sao an lòng. Nguyễn Mậu Phong từ biệt người vợ trẻ, Nguyễn Mậu Trường lúc đó mới hơn một tuổi, trong chị, hình hài Nguyễn Tiến Xuân đang lớn dần.
Trường Sa năm 1988, tin tức chiến sự bay về nóng hổi. Những ngày cuối tháng 3, chị Liễu nhận được thông báo rằng anh mất tích khi cùng đồng đội giữ đảo Gạc Ma. Chị không tin rằng anh nằm lại nơi sóng nước Trường Sa, đêm nằm thương anh, tủi cho con trẻ, nước mắt chị thấm ướt gối. Ngày ngày chị dắt thằng Trường, ẳm thằng Xuân mới hơn tháng tuổi ra phía đầu ngỏ ngóng về phía biển khơi van vái đến một điều kỳ diệu. Chị không tin anh hy sinh, đêm đêm, anh vẫn về trong giấc mơ của chị. Niềm tin ấy sắt son cho đến tận bây giờ sau 26 năm ròng rã. Chị giải bày: “Niềm tin của chị về anh to lớn lắm! Có lẽ vậy mà chị đủ nghị lực một thân một mình nuôi hai cháu Trường, Xuân khôn lớn, truyền dạy lại những gì tốt đẹp, kiên trung, bất khuất, kiên cường có nơi anh cho chúng. Và từ bao giờ, trong tâm hồn hai đứa trẻ luôn in đậm hai chữ Trường Sa. Trường Sa đối với Trường, Xuân thiêng liêng nhưng cũng hết sức bình dị, Trường Sa chính là nơi ba mình cùng đồng đội ngã xuống vì độc lập chủ quyền, toàn vẹn biển đảo. Trường Sa có một phần máu thịt của ba”.
Nguyễn Mậu Trường, Nguyễn Tiến Xuân khôn lớn trong vòng tay người mẹ tảo tần, trong hình ảnh sống động về người cha quyện hòa cùng sóng nước Trường Sa. Thậm chí, mê Trường Sa đến nỗi… anh em chỉ cách nhau gần hai tuổi lại có chung ước mơ trở thành lính hải quân, được ra Trường Sa, cầm súng giữ đảo như ba mình. Chiều chiều hai cậu bé dành nhau chiếc áo lính thủy kỷ vật của ba, tay cầm súng gỗ, miệng bắn bùm bùm, xung phong chạy khắp làng.
Và Trường, Xuân viết thư tình nguyện đi lính hải quân thật!
Năm 2007, Nguyễn Mậu Trường đến đảo Nam Yết.
Tháng 9- 2007, Nguyễn Tiến Xuân trở thành sinh viên năm thứ nhất Học viện Hải quân tại tỉnh Khánh Hòa. Tháng 9- 2012, chàng sỹ quan trẻ Nguyễn Tiến Xuân với chức vụ Trưởng ngành hàng hải, đặt chân xuống tàu Trường Sa 14 tải trọng 1.000 tấn, có lượng giản nước 2.000 tấn trực chỉ ra Trường Sa.
Lần thứ hai trong đời, chị Nguyễn Thị Liễu như hóa đá ngóng con.
Những cánh thư từ Trường Sa gửi về, Nguyễn Mậu Trường khoe với mẹ rằng mình trưởng thành ra nhiều. “Mạ yên tâm về chúng con, hơn ai hết chúng con hiểu những việc mình lựa chọn, chúng con đã lựa chọn đúng khi có mặt ở Trường Sa”- Mậu Trường tâm sự với mẹ- “Cứ đến ngày 14- 3 hàng năm, đơn vị chúng con lại làm lễ tưởng niệm về trận hải chiến Trường Sa, con đã thấy ba... mỉm cười với con giữa sóng nước Trường Sa!”.
Nguyễn Tiến Xuân nói với mẹ: “Con xin mạ mang theo những kỷ vật của ba, để thấy ba luôn bên con. Lần ra Trường Sa đầu tiên, khi tàu chúng con ngang qua Gạc Ma, các chú đã chỉ cho con nơi ba ngã xuống. Chúng con thả xuống biển vòng hoa tưởng nhớ đến ba và đồng đội của ba. Biển đảo quê mình thật đẹp mạ ơi! Vì thế anh em chúng con quyết tâm gìn giữ bằng bất cứ giá nào”…
Ngôi nhà nhỏ bình yên sâu trong thôn Hiển Lộc, dáng chị Nguyễn Thị Liễu bé nhỏ vào ra ngày ngày. Chị ngóng theo hành trình hai con trai giữa mênh mông sóng nước đại dương. “Cảm xúc thật lạ”- chị bảo- “Lúc nào cũng thấy lo lo, thương con, nghe biển động, lòng nghẹn ngào. Nhưng rất hạnh phúc, tự hào vì các con”.
Tôi lên thăm chị Nguyễn Thị Liễu, cảm cảnh chị, lại nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Tế Hanh: “Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh. Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc. Hai ta ở hai đầu công tác. Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?”. Ngậm ngùi đọc xong, nhận ra vận vào cuộc đời chị Liễu quả không sai một ly nào. Nguyễn Mậu Trường ra quân vào cuối năm 2009, cậu cưới vợ. Ở với mẹ chưa đủ hơi ấm sau bao nhiêu ngày xa cách đất liền, biển đảo, vì “cơm áo gạo tiền” cậu cùng vợ xa mẹ đi vào nam làm thuê kiếm sống. Hiện tại hai vợ chồng Trường đã có một bé gái đầu lòng. Nguyễn Tiến Xuân bám biển, bám tàu chi viện sức người, sức của cho Trường Sa. Thời gian xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981, biển Đông như chảo lửa, Xuân trực chiến hai bốn trên hai bốn. Trong đất liền, chị Nguyễn Thị Liễu lòng như xát muối, người mẹ cứ dõi theo tin con ngày ngày. Hai anh em, hai phương trời, Trường về với mẹ thì Xuân đang cùng tàu ra Trường Sa. Xuân cắt phép, anh trai đã trở lại Sài Gòn.
Nhưng hôm nay ngôi nhà chị Nguyễn Thị Liễu ngập tràn hạnh phúc, biển đảo bình yên, thằng Trường, thằng Xuân lại về bên mẹ. Nguyễn Tiến Xuân nhẹ nhàng nhổ từng sợi tóc bạc trên mái đầu mẹ. Cậu ngỡ ngàng nhận ra tóc mẹ bạc quá nửa đầu.
(Ảnh: Chị Nguyễn Thị Liễu và hai con trai: Nguyễn Mậu Trường và Nguyễn Tiến Xuân năm 2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét